Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðể Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành ổn định và an toàn

Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Từ khi xuất dòng sản phẩm đầu tiên tháng 2-2009, đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được gần 440 nghìn tấn sản phẩm các loại. Tổ hợp nhà thầu Technip (TPC) đang tập trung công tác chạy thử, tiến tới nghiệm thu, bàn giao nhà máy.
 
Tuy nhiên, giữa tháng 8 vừa qua, nhà máy phải dừng vận hành do sự cố kỹ thuật hỏng thiết bị van PV-1501 tại cụm thiết bị tái sinh xúc tác thuộc Phân xưởng cracking xúc tác (RFCC). Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PetroVietnam (Chủ đầu tư), Ban Quản lý Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã phối hợp  với TPC nỗ lực khắc phục sự cố để nhà máy sớm hoạt động trở lại. Do đó, việc bảo đảm nhà máy vận hành ổn định và an toàn về lâu dài là nhiệm vụ trọng tâm, cần được các bên hết sức coi trọng và phối hợp chặt chẽ trong lúc này.

Ðến thời điểm giữa tháng 8-2009, hầu hết các phân xưởng công nghệ quan trọng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động an toàn ổn định 70% công suất. Nhà máy đã sản xuất được 38.888 tấn khí ga hóa lỏng (LPG), 18.153 tấn dầu đốt lò (FO), 142.130 tấn dầu đi-ê-den, 38.083 tấn dầu hỏa và 198.775 tấn xăng A92, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu xăng, dầu cho thị trường trong nước, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố như trên khiến nhà máy phải dừng vận hành để sửa chữa. Ngay sau khi sự cố xảy ra, TPC đã khẩn trương điều tra và nhận thấy: Thân van bị thủng, lõi van và ống dẫn hướng bị mài mòn; các vòng đệm làm kín, gioăng bị đứt hỏng. Nguyên nhân do quạt cấp khí nâng bị dừng đột ngột nhiều lần làm xúc tác nóng rơi vào bên trong thân van; áp suất khí thổi vào khoang làm kín không đủ nên xúc tác đã lọt vào bên trong; nhiệt độ cao (650 độ C) của xúc tác có thể làm giảm khả năng làm kín của gioăng. TPC đã phối hợp nhà cung cấp bản quyền công nghệ phân xưởng RFCC Axens (Pháp), nhà thầu lắp van Nippon Express (Nhật Bản) và một số bên liên quan khác sửa chữa, khắc phục van PV-1501 tại Xưởng sửa chữa cơ khí của nhà máy, đồng thời đặt mua mới van PV-1501 từ nhà sản xuất Remosa (I-ta-li-a) kèm theo một số vật tư, phụ tùng thay thế cần thiết nhất cho việc sửa chữa phục hồi van (gồm phần dưới của lõi van và một số phần quan trọng khác). Vừa qua, sau khi sửa chữa và thực hiện các bước kiểm tra, van đã được đưa ra hiện trường và lắp đặt vào vị trí của phân xưởng RFCC. Nhà máy đã khẩn trương nạp xúc tác, nguyên liệu để một hai ngày tới tái khởi động nhà máy. Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (Chủ quản nhà máy) Nguyễn Hoài Giang cho biết, nhà máy vẫn đang trong giai đoạn chạy thử, chưa bàn giao cho chủ đầu tư, nên mọi trách nhiệm liên quan thiết bị (chi phí sửa chữa, mua mới) đều thuộc nhà thầu, ngay cả việc dừng hay khởi động dây chuyền cũng do nhà thầu quyết định. Công ty chỉ có trách nhiệm điều phối xuất bán sản phẩm. Theo dự kiến, đầu năm 2010, thiết bị van xúc tác mới sẽ về tới nhà máy. Sau khi tái khởi động dây chuyền, các bên sẽ theo dõi các thông số kỹ thuật sẽ quyết định phương án tiếp theo để sử dụng hiệu quả nhất hai thiết bị van. Phó Giám đốc dự án của TPC Ma-mô-ru Ta-kê-u-chi, ngày 27-9, cho biết, TPC đã hoàn thành quá trình sửa chữa, sẵn sàng cho tái khởi động. Ðồng thời TPC cam kết sẽ nâng dần công suất và nỗ lực để đến ngày 25-10 vận hành nhà máy ở 100% công suất.

Từ khi sự cố xảy ra, lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan đã đến nhà máy để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục. Trước mắt, để bàn giao nhà máy, chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước yêu cầu TPC rà soát lại toàn bộ dây chuyền, bảo đảm khi nghiệm thu, bàn giao các hệ thống, thiết bị đạt tình trạng tốt nhất. Theo hợp đồng, tính từ thời điểm bàn giao, TPC có trách nhiệm bảo hành công trình trong thời gian hai năm. Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Giang cho biết thêm, chủ đầu tư yêu cầu TPC khẩn trương bàn giao công trình cuối năm 2009, tuy nhiên, tổ hợp nhà thầu muốn lui lại vào tháng 1-2010. Ðối với công tác xử lý các điểm tồn tại kỹ thuật, đến nay TPC đã xử lý 166.458/174.024 điểm (95,65%). Số điểm tồn tại kỹ thuật cần xử lý gồm ba loại A, B, C là 7.566 điểm. Ðối với các thiết bị, phụ tùng khác gặp sự cố, TPC thay thế kịp thời trong quá trình vận hành như một số tấm trao đổi nhiệt dạng tấm, thay chum ống thiết bị gia nhiệt, các thiết bị làm kín, bơm, bình thủy lực, vòng bi... Theo kế hoạch, TPC sẽ giải quyết toàn bộ số điểm này trước ngày 25-10-2009, thời điểm dự kiến nhà máy đạt công suất 100%. Tại một số hạng mục, từ khi chạy thử đến nay phát sinh một số sự cố do khách quan lẫn chủ quan, đòi hỏi phải điều chỉnh thiết kế, lắp đặt thêm các thiết bị phụ trợ, phát sinh chi phí, chủ đầu tư và tổ hợp nhà thầu nhất trí sẽ hợp tác và thảo luận để phân định rõ trách nhiệm cụ thể.

Việc dự trữ thiết bị, phụ tùng dự phòng là rất quan trọng, không thể thiếu đối với bất cứ nhà máy nào, do đó, công ty đã lên danh mục và cơ bản hoàn thành việc đặt mua  các loại thiết bị dự phòng phục vụ cho vận hành hai năm đầu như gioăng, van, thiết bị điện, điều khiển, đo lường cơ khí,... theo kinh nghiệm của nhà thầu, nhà sản xuất và tư vấn. Bên cạnh đó, việc sửa chữa, khắc phục các thiết bị, phụ tùng gặp sự cố tại chỗ cũng như công tác bảo dưỡng định kỳ có ý nghĩa quan trọng đến hoạt động của nhà máy. Do đó, trong nhà máy có hai Xưởng sửa chữa thiết bị cơ khí và Xưởng sửa chữa thiết bị tự động hóa-điện tử, được đầu tư, lắp đặt những máy móc, trang thiết bị hiện đại trị giá hàng triệu USD nên có khả năng sửa chữa nhiều chủng loại thiết bị, phụ tùng của nhà máy. Chính thiết bị van xúc tác gặp sự cố vừa qua đã được sửa chữa thành công tại Xưởng sửa chữa cơ khí này. Các chuyên gia ước tính nếu không có xưởng này thì thời gian dừng nhà máy sẽ mất thêm khoảng hai đến ba tháng vì phải chở thiết bị ra nước ngoài để sửa chữa bởi trong nước chưa có cơ sở cơ khí nào hiện đại như ở đây. 

Ðể bảo đảm nhà máy vận hành an toàn và hiệu quả, Ban quản lý Dự án (BQLDA) với sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm của các hãng JGC, Idemitsu (Nhật Bản), Petronas (Ma-lai-xi-a) đã soạn thảo và phê duyệt toàn bộ 901 quy trình vận hành, 71/76 quy trình bảo dưỡng, 70/90 quy trình an toàn và 95/102 quy trình cho Phòng thí nghiệm. Ðến nay, nhà máy cũng cơ bản  hoàn thành công tác biên soạn và biên dịch tất cả các quy trình sang tiếng Việt, đồng thời triển khai công tác học tập, kiểm tra quy trình đối với đội ngũ vận hành và bảo dưỡng. Các quy trình sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong suốt quá trình vận hành nhà máy. BQLDA cũng đã tuyển dụng 1.046 cán bộ, công nhân vận hành theo sơ đồ tổ chức vận hành đã được phê duyệt và tổ chức nhiều khóa đào tạo trong và ngoài nước với các nội dung ngoại ngữ, dầu khí cơ bản, trong đó coi trọng đào tạo qua thực tế trên công trình dưới sự hướng dẫn của TPC và tư vấn quản lý dự án. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, kinh nghiệm đội ngũ vận hành của Việt Nam mặc dù đã có bước phát triển nhanh và mạnh thời gian qua, đảm đương được nhiều vị trí quan trọng, song chưa hoàn toàn làm chủ được nhà máy trong giai đoạn đầu vận hành. Do đó, chủ đầu tư đã chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn SK/KBC (Hàn Quốc/Anh) tham gia tư vấn trợ giúp vận hành và bảo dưỡng nhà máy. Theo kế hoạch, trong tháng 10-2009, nhà thầu này sẽ triển khai đầy đủ nhân lực tại nhà máy.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là "đứa con" đầu của ngành lọc hóa dầu Việt Nam cũng như là công trình trọng điểm Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng tới nền kinh tế quốc dân. Ngay từ khi xây dựng đến khi vận hành, Ðảng, Nhà nước và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm công trình này. Do đó, các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan đang nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt để nhà máy vận hành an toàn, ổn định, không để xảy ra các sự cố tương tự.

(Theo Nhan dan)

  • Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm Việt
  • Công nghiệp “bắt đà” tăng
  • Ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ vận hành và bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
  • Tránh quản lý bằng mệnh lệnh hành chính
  • Sớm xử lý tồn tại kỹ thuật ở nhà máy Dung Quất
  • Gần 72 triệu USD hiện đại hóa ngân hàng
  • Cần thêm cơ chế để phát triển kinh doanh xanh
  • 130 tỷ đồng phục hồi tổ máy 3 Thủy điện Thác Bà
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi