Vào WTO, một trong những hiệu ứng được trông đợi là môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn, đúng chuẩn mực quốc tế hơn nhờ thực thi những cam kết về cải cách luật lệ và các quy định liên quan đến kinh doanh. Thế nhưng gần đây lại có những dự thảo đi ngược với tinh thần đó.
Chẳng hạn, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sắp sửa được trình Quốc hội có quy định tại điều 49: “Danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi bầu, bổ nhiệm các chức danh này.
Những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng phải thuộc danh sách đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận”.
Dự thảo luật đã có những quy định chặt chẽ về các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng; không hiểu vì sao lại đưa ra thêm ràng buộc nói trên. Nếu mục đích là nhằm loại trừ những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay những cán bộ công chức nhà nước... thì cũng đã có những điều khoản cụ thể trong dự thảo; ngay cả những yêu cầu về bằng cấp chuyên môn cũng đã được liệt kê.
Quy định như điều 49 là một sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng tư nhân hay nước ngoài lại vô tình làm giảm nhẹ vai trò của đại hội đồng cổ đông, nơi có quyền bầu hay bổ nhiệm các chức danh chủ chốt của tổ chức tín dụng.
Không lẽ trước khi họp đại hội, cổ đông phải được gửi thư hỏi ý kiến về nhân sự dự kiến để có danh sách trình Ngân hàng Nhà nước rồi sau đó mới được tổ chức họp và tiến hành bầu chọn trong danh sách đã được phê duyệt! Cách làm này dễ nảy sinh những quan hệ xin-cho, buộc lãnh đạo các tổ chức tín dụng phải “phục tùng” Ngân hàng Nhà nước nếu muốn được chấp thuận ra ứng cử.
Một ví dụ khác là dự thảo nghị định “Quy định về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước” trong đó ràng buộc tiền lương của tổng giám đốc tối đa không vượt quá 8-10 lần tiền lương bình quân của người lao động.
Bất kể mức tiền lương này gấp bao nhiêu lần, như thế là cao hay thấp, một quy định như thế sẽ làm doanh nghiệp khi cần không thể tuyển dụng người giỏi và ngược lại sẽ tạo ra những khe hở dễ bị lợi dụng (xem thêm bài “Còn nhiều mâu thuẫn”, tr.21).
Trong số báo này còn có một bài phân tích dự thảo về mức giá trần đối với mặt hàng sữa (bài “Áp đặt giá trần: tiêu cực!”, tr.13) cũng thuộc loại can thiệp hành chính mà lẽ ra phải được thay thế bằng biện pháp khác có hiệu quả hơn.
Quản lý bằng mệnh lệnh hành chính lúc nào cũng dễ hơn so với quản lý bằng quy luật thị trường bởi cách thứ nhì đòi hỏi phải nghiên cứu công phu quy luật, hiểu được những tác động qua lại rồi từ đó mới đề ra chính sách thích ứng. Nhưng để xây dựng một nền kinh tế thật sự hội nhập không thể quay về với cách làm cũ, cách suy nghĩ cũ của thời bao cấp.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com