Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho biết hiện Bộ đã xây dựng xong cơ bản đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ trình Chính phủ để sau đó trình lên Quốc hội thông qua.
Xem xét cẩn trọng dừng cho vay hỗ trợ lãi suất
Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc |
Ông Phúc cho rằng thời gian qua có nhiều đánh giá khác nhau về gói kích cầu của Chính phủ. Tổng số gói kích cầu chúng ta thực hiện là 145,6 nghìn tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD). Với chúng ta đây là gói kích cầu lớn nhưng so với các nước thì chưa thấm vào đâu.
Về đánh giá tổng thể chung của Bộ và nhiều chuyên gia kinh tế, gói kích cầu đã phát huy tác dụng, đã góp phần tăng chỉ tiêu kinh tế của các quý. Quý 1 cao hơn quý 2, quý 3 cao hơn quý 2. Dự kiến quý 4 sẽ cao hơn quý 3 và chúng ta sẽ đạt mức tăng chung 5,2% trong năm nay.
Nếu nhìn vào tăng trưởng của các quý thì tỉ trọng tăng trưởng ngành xây dựng rất lớn. Trước đây tăng trưởng xây dựng thấp hơn công nghiệp nhưng trong 3 quý vừa rồi thì xây dựng tăng trưởng tới 9%, giúp lấy lại tăng trưởng chung của cả ngành công nghiệp.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, chỉ riêng gói kích cầu về an sinh xã hội, 9,8 nghìn tỉ đồng, đã giải quyết rất nhiều khó khăn cho bà con người dân tộc, vùng sâu vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ông cũng thừa nhận gói kích cầu 443, 497 hỗ trợ cho khu vực nông thôn triển khai chậm, thủ tục phiền hà. Hiện Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xử lý những vấn đề này. Theo ông Phúc, một phần của những gói kích cầu tiếp theo sẽ được thực hiện bằng các chính sách thông qua đầu tư. Điển hình trái phiếu Chính phủ, đầu tư cho hỗ trợ giãn thuế cũng cần tiếp tục triển khai.
“Tôi cũng đồng tình với ý kiến cho rằng gói hỗ trợ lãi suất cần xem xét lại và phân loại ra. Chúng tôi cũng kiến nghị ban hành nghị định về chính sách tín dụng cụ thể ưu đãi cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính sách này không chỉ làm trong một hai năm mà sẽ hỗ trợ lâu dài. Để hỗ trợ cho khu vực nông thôn thì không thể cào bằng được”- Ông Phúc nói.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết riêng về gói 131, hiện Chính phủ và Bộ KH&ĐT cần cẩn trọng xem xét trong điều kiện hiện nay khi một số chỉ tiêu vĩ mô có diễn biến chưa thuận lợi.
Dự kiến đến 31/10 tới, tổng phương tiện thanh toán tăng đến 23,99%, tổng dư nợ tín dụng tăng tới 33,26%, trong đó dư nợ bằng VND tăng tới 39,56%. Đây là những con số cần lưu tâm trong việc quyết định có tiếp tục hay dừng chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất vốn lưu động hay không. “Quan điểm của chúng tôi là cẩn trọng xem xét có nên tiếp tục cho vay hỗ trợ lãi suất hay không”- Ông Phúc nhấn mạnh.
Cuối tháng 11 sẽ trình đề án tái cấu trúc nền kinh tế
Về hiệu quả đầu tư và chỉ số ICOR, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận mức đầu tư và chỉ số ICOR thời gian qua là cao hơn các nước trong khu vực. Ông Phúc cũng cho biết Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện đề án cơ cấu lại nền kinh tế.
Do đề tái cơ cấu là vấn đề lớn nên Chính phủ cần có thời gian xem xét thêm. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới Bộ sẽ trình Chính phủ đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua để sau đó trình lên Quốc hội thông qua.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng khẳng định việc đưa ra các chương trình mục tiêu là đúng đắn, nếu bỏ đi thì không biết ai sẽ là người đứng ra lo. Điển hình nhất là chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Vấn đề chính bây giờ là làm thế nào để lồng ghép các chương trình này cho hiệu quả.
Ông xác nhận có hiện tượng ở một số địa phương làm chưa tốt. Một số tỉnh, địa phương đã có phản ánh việc một số quan chức ở một số bộ vẫn chỉ đạo phân bổ vốn khi thực hiện các chương trình mục tiêu. Việc này là sai và Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ những trường hợp như vậy.
“Có tình trạng các quan chức Bộ về địa phương làm việc thì nể nhau. Giữa các sở ở từng địa phương cũng có sự nể nang nhau vì sự tư riêng của mình. Đây là việc ngăn chặn. Chúng ta phải thẳng thừng vì quyền lợi chung của đất nước mà làm”- Ông Phúc khẳng định.
(Theo Tienphong online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com