Hội nghị là dịp để các Hiệp hội Giấy và các doanh nghiệp ngành giấy trong khu vực hợp tác, nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy và bột giấy ở mỗi nước và trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định ngoài 5 nước thành viên Fappi, Hiệp hội Giấy Nhật Bản và Hiệp hội Giấy Hàn Quốc tham dự Hội nghị là biểu hiện tích cực của sự gắn kết chặt chẽ về nền kinh tế giữa các nước nói chung và trong công nghiệp giấy và bột giấy nói riêng.
Các công ty hàng đầu thế giới cung cấp công nghệ, thiết bị hóa chất, điều khiển tự động và tư vấn tham dự hội nghị thể hiện rõ Châu Á và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này.
Ông Biên cho biết điều vui mừng là công nghiệp giấy và bột giấy trong khu vực đã vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ nhờ tái cấu trúc, nâng cao năng lực kỹ thuật và công nghệ cũng như hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển nhanh hơn nữa công nghiệp giấy và bột giấy, không chỉ thỏa mãn nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu trong vài năm tới. Nhiều dự án đang khẩn trương hoàn thiện và nhiều dự án khác sắp triển khai.
Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương ủng hộ và giúp đỡ các nhà đầu tư trong việc trồng rừng nguyên liệu giấy, sản xuất bột giấy và giấy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nói.
Ông Amando T. Rios, Trưởng đoàn Hiệp hội các nhà sản xuất giấy và bột giấy Philippines cho rằng, hội nghị lần này là diễn đàn lý tưởng để chia sẻ một cách cởi mở và chỉ ra những vấn đề nổi cộm mà ngành giấy và bột giấy châu Á cũng như khu vực ASEAN đang phải đối mặt, đó là suy giảm trong sản xuất và kinh doanh đang tiếp diễn cũng như khó khăn về tài chính.
Ông Võ Sĩ Dởng, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giấy và bột giấy Việt Nam đã có những đầu tư đáng kể nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm giấy cùng loại nhập khẩu.
Mặc dù sản xuất giấy trong nước tăng lên hàng năm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội, từ mức hơn 640.000 tấn giấy sản xuất năm 2005 đã tăng lên trên 1,1 triệu tấn vào năm 2008. Do sự mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và giấy trong những năm qua nên hàng năm Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn phải nhập một lượng bột khá lớn cho sản xuất giấy.
Đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Không những thế, việc trồng nguyên liệu giấy cung cấp cho sản xuất trong nước cũng gặp không ít khó khăn bởi hạn hán, bão gió, sâu bệnh, ông Dởng nói.
Theo ông Võ Sĩ Dởng, từ năm 2006 đến nay, sản lượng giấy và doanh thu tăng trưởng bình quân 12%/năm. Cùng đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các ngành công nghiệp và văn hóa xã hội, góp phần đưa mức tiêu dùng giấy bình quân đạt trên 20 kg/người vào năm 2010./.