Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tập đoàn, TCT Nhà nước: 2010 phải đạt và vượt mức tăng trưởng 10%

Phát huy vai trò đầu tàu, đề cao trách nhiệm trước đất nước trong nhiệm vụ vượt qua khủng hoảng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phấn đấu đạt và vượt cho được mức tăng trưởng 10%, hiệu quả cao hơn năm 2009.

Thường trực Chính phủ cho rằng, các Tập đoàn, TCT đã thực sự phát huy vai trò đầu tàu trong bài toán giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát,không gây ra đổ vỡ hệ thống doanh nghiệp - Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là nhiệm vụ xuyên suốt được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong cuộc làm việc sáng 10/3 giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo, đại diện của hơn 100 tập đoàn, tổng công ty (TCT) 91 và 90 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2010.

2009- Chung tay cùng Chính phủ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2009, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, các tập đoàn, TCT Nhà nước đã chung tay cùng Chính phủ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết phát triển KTXH theo mục tiêu đề ra.

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ than, không tăng giá bán cho các hộ tiêu thụ, Tập đoàn Dầu khí tập trung đẩy mạnh xuất khẩu với kim ngạch đạt 6,2 tỷ USD, Tập đoàn Dệt may vượt khó khăn, tìm kiếm thị trường đảm bảo việc làm cho 119 nghìn lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD.

Các TCT Lương thực thu mua hết hàng hóa cho nông dân với giá ổn định. Các doanh nghiệp đầu ngành vận tải, bưu chính viễn thông bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ, không tăng giá cước để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tổng hợp báo cáo từ 19 tập đoàn, TCT 91 và 61 TCT 90, trong năm 2009, tuy kết quả không cao như những năm trước nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh chung của khu vực được coi là đầu tàu của nền kinh tế vẫn giữ vững đà tăng trưởng, nhiều đơn vị trước đây thua lỗ, khó khăn đã hoạt động hiệu quả hơn.

Những đơn vị có mức doanh thu tăng cao có thể kể đến là Tập đoàn Dầu khí vượt 28,2% kế hoạch, Tập đoàn Viễn thông quân đội vượt 22,4% kế hoạch, TCT Mía đường I vượt 22,4% kế hoạch, TCT Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn vượt 26% kế hoạch năm…

2010- Phấn đấu đạt và vượt mức tăng trưởng 10%

“Các Tập đoàn, TCT  đã thực sự phát huy vai trò đầu tàu trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không gây ra đổ vỡ hệ thống doanh nghiệp. Nhiều DN đứng vững, phát triển, duy trì được sự tăng trưởng khá cao, huy động được nguồn lực đầu tư lớn trong điều kiện kinh tế suy giảm mạnh”, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực, phấn đấu, sự chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo từ Chính phủ của các Tập đoàn, TCT Nhà nước – khu vực đang làm ra hơn 40% giá trị GDP hàng năm, giữ vai trò nền tảng của kinh tế đất nước, đặc biệt là trong năm 2009 – thời điểm được coi là đáy của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó,  việc các tập đoàn, TCT Nhà nước góp phần đảm bảo an sinh xã hội bằng nỗ lực tạo công ăn việc làm, chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ về điều hành giá cả cũng được người đứng đầu Chính phủ ghi nhận.

“Giá điện, than, vận tải không tăng, cước viễn thông giảm nhiều đợt, thu mua lúa, cao su đảm bảo có lãi cho người sản xuất là những việc tiêu biểu, khẳng định rằng không chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận, các doanh nghiệp Nhà nước đầu ngành còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng”, Thủ tướng nói.

Năm 2010, năm bản lề quan trọng của Kế hoạch phát triển 2 giai đoạn 5 năm 2006-2010 và 2011-2015, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, TCT nhà nước cùng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phấn đấu đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua là tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, giữ lạm phát ở mức khoảng 7%.

Muốn vậy, với vai trò đầu tàu, các Tập đoàn, TCT phải xây dựng kế hoạch cao hơn, hiệu quả cao hơn năm 2009, phấn đấu mức tăng trưởng bình quân 10%.

Tập trung vào 4 nhiệm vụ, giải pháp

Thủ tướng đã nêu ra 4 nhiệm vụ, giải pháp đối với các tập đoàn, TCT Nhà nước trong thời gian tới.

Thứ nhất, các DN rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, chú trọng bài toán đầu tư trọng điểm để nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế - xã hội và sức cạnh tranh.

“Thời điểm này, thêm một nhà máy điện, một dự án phân bón được đưa vào hoạt động có hiệu quả, thêm một đồng gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu đều có ý nghĩa hết sức to lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những dự án, sản phẩm đem lại hiệu quả , kể cả những dự án đầu tư ra nước ngoài, sẽ được Chính phủ tạo điều kiện tối đa, xử lý kịp thời những vướng mắc về cơ chế cho doanh nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp Nhà nước chung vai với Chính phủ, là lực lượng vật chất quan trọng để thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu sẽ vẫn trên cơ sở quy luật thị trường, nhưng phải tính toán kỹ về thời điểm điều chỉnh; chú ý công tác tuyên truyền, không gây ra tâm lý đua nhau lợi dụng tăng giá. Các doanh nghiệp Nhà nước cần chăm lo cho người lao động trong ngành mình, trong doanh nghiệp mình, cùng tham gia với Chính phủ thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, đóng góp từ thiện…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong năm nay, giá điện, giá than sẽ giữ ổn định, tỷ giá, mặt bằng lãi suất sẽ được điều hành linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế. Đối với lương thực, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ thu mua tối đa lúa hàng hóa, mở rộng hệ thống phân phối để vừa đảm bảo có lãi cho nông dân, vừa chủ động điều tiết thị trường. Các mặt hàng xuất khẩu như cà phê cũng sẽ có giải pháp để phát huy vị thế nhà xuất khẩu thứ 2 thế giới…

Thứ ba, các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động, quản trị doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm và trong sạch hóa đội ngũ lãnh đạo, kiên quyết làm lành mạnh hóa hệ thống.

“Kiên quyết không để trong báo cáo kết quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn hiện tượng hàng chục năm vẫn thua lỗ như Tổng Công ty Dâu Tằm Tơ Việt Nam. Bài học Cienco 5 vượt lên từ khó khăn khẳng định chủ trương kiên quyết sắp xếp, đổi mới để làm ăn hiệu quả là việc phải làm và có thể làm được”, Thủ tướng nói.

Cuối cùng, các Bộ, ngành cùng doanh nghiệp cần thường xuyên đối thoại, sơ kết hàng tháng, hàng quý để tạo sự thông suốt từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý, đến Chính phủ, trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; chủ động, năng động, xử lý kịp thời tháo rỡ các rào cản, cản trở hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập, khuyến khích xuất khẩu.

Kết quả hoạt động của 19 tập đoàn, TCT 91 và 61 TCT 90 Nhà nước năm 2009
 Trị sốTăng so với năm 2008 (%)
Tổng vốn Nhà nước (tỷ đ)492.5799,7
Tổng doanh thu (tỷ đ)1.164.4692,9
Tổng lợi nhuận trước thuế (tỷ đ)80.7995
Thu nhập/người (triệu đ)5,110

(Theo Nguyên Linh - Nhật Bắc // Tin Chính phủ)

  • Ngành Điện chạy đua với nắng nóng
  • Doanh nghiệp công khai cách tính giá bán lẻ xăng, dầu
  • Ngừng, giảm cấp điện khi công suất dự phòng nhỏ hơn 3%
  • Tiếp tục thực hiện bình ổn giá
  • Nữ doanh nhân góp phần giúp nền kinh tế vượt khó
  • Mua 50.000 tấn gạo bổ sung lương thực dự trữ quốc gia
  • Không thể đổ lỗi cho thị trường tự do
  • Tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính về thuế TNCN
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi