Khủng hoảng kinh tế đang tác động đến tư duy về mô hình và triết lý kinh tế hiện đại. Đã có nhiều quan điểm cho rằng khủng hoảng kinh tế là “sự thất bại của thị trường tự do”, và do đó họ ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước.
Tuy nhiên, tại buổi toạ đàm “Viễn cảnh kinh tế và tầm nhìn chính sách Việt Nam 2010” vừa diễn ra ngày 5.2, TS Bùi Quang Tuấn đã phản bác lại quan điểm trên. Ông nói: “Đây là cách nhìn nhận mang tính chất phiến diện.Việt Nam là một nền kinh tế thị trường phát triển chưa hoàn chỉnh nên sự thất bại không thể đổ lỗi cho thị trường”.
Tư duy không theo kịp sự thay đổi
Nền kinh tế vẫn nên tôn trọng các tín hiệu thị trường, đi theo các quy luật của thị trường. Để bảo vệ luận điểm này, TS Tuấn phân tích một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng khoảng kinh tế là do “sự lúng túng trong việc điều hành”.
Nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế, theo góc nhìn của TS Võ Trí Thành không chỉ là sự thất bại của thị trường mà còn là sự thất bại trong điều hành của các nhà nước. Từ đó ông lập luận rằng vấn đề đặt ra không phải là lựa chọn thị trường và nhà nước mà nên coi đây là hai yếu tố bổ sung lẫn nhau. Ông khuyến cáo: “Đừng vội vã chuyển đổi cực quá sớm. Câu chuyện điều hành chính sách là khi nào thì điều hành theo luật, khi nào thì điều hành theo tình thế? Can thiệp của chính sách vĩ mô trong giai đoạn của khủng hoảng và rút lui ra khỏi khủng hoảng như thế nào?”
Sau khi kêu gọi “không thể đặt thị trường đối chọi với Nhà nước”, TS Vũ Đình Ánh tin rằng “Nhà nước can thiệp với mục đích để thị trường hoạt động tốt hơn”. Song, ông Ánh thừa nhận mô hình chủ nghĩa tư bản sẽ tự nó tìm cách phục hồi và đi lên tốt hơn (so với các mô hình khác, NV); giới quản lý chưa hiểu rõ về thị trường nên muốn can thiệp thị trường phải dùng các biện pháp hành chính.
Nhận định nền kinh tế và thị trường ngày càng đa dạng, phát triển nhanh chóng nhưng TS Nguyễn Đình Cung nói thẳng: “Tư duy và nhận thức của nhà nước có thể không theo kịp”. Chính vì lẽ đó, nền kinh tế hiện nay có quá nhiều các chính sách điều hành nhưng là các chính sách điều hành chưa tốt. “Nên chú trọng về các chính sách vi mô và việc cải thiện chính sách vi mô sẽ củng cố được các chính sách vĩ mô. Nên bỏ các chính sách bao cấp, trợ cấp, bảo hộ… Những thay đổi như vậy sẽ đưa ra được các kỳ vọng về lạm phát tốt để ổn định các cân đối vĩ mô”, ông Cung đề xuất.
Cơ chế lạc hậu so với thị trường Tại sao ta lại quay trở lại biện pháp hành chính? Trong bốn năm (2005 – 2008), chúng ta ban hành 17.000 văn bản pháp lý, trong đó một nửa là các công văn hướng dẫn thi hành. Số văn bản này bằng 18 năm trước đó! Điều đó thể hiện sự lạc hậu của cơ chế so với sự phát triển của thị trường. Nếu như không thay đổi thể chế và nâng cao năng lực thì sẽ không theo kịp được sự phát triển của thị trường và khi đó Nhà nước sẽ dùng các biện pháp hành chính nhiều hơn để can thiệp vào thị trường. TS Nguyễn Đình Cung |
PGS.TS Trần Đình Thiên đúc kết: “Chu kỳ khủng hoảng kinh tế của Việt Nam là 10 năm”. Khủng hoảng xảy ra, theo ông Thiên, là do có vấn đề về cơ cấu, và vấn đề cơ cấu đã trở thành nghiêm trọng. “Mục tiêu của các chính sách đều là tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng ta cứ loay hoay với mục tiêu tăng trưởng và đã phải trả giá rất nhiều”.
Thời điểm để cách mạng
“Năm nay phải là thời điểm để cách mạng nền kinh tế Việt Nam”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Thế nhưng, ông Thiên tỏ ra thất vọng khi chưa thấy bất kỳ động thái nào từ phía các nhà làm chính sách và điều này làm kinh tế chưa thể thay đổi; các điểm yếu kém về cấu trúc sẽ tiếp tục khiến kinh tế gặp nhiều rủi ro.
Chính phủ đã đặt mục tiêu GDP năm 2010 vẫn là 7%. Nhưng ông Thiên đặt vấn đề: “Nếu cơ cấu của Việt Nam không thay đổi thì liệu kinh tế Việt Nam có đi lên được không?” Ông nhấn mạnh không nên đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu bằng mọi cách, mà là vấn đề lạm phát và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Quan tâm đến vấn đề tỷ giá giữa đồng đôla và đồng nhân dân tệ, vì đây là một trong những điểm bất ổn của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Ánh, vẫn cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu để Việt Nam theo kịp và mục tiêu ổn định là để cho tăng trưởng nhanh. “Ở Việt Nam vấn đề cốt lõi là tích luỹ tài sản và quy mô tài sản và chia lại tài sản; Giải quyết mâu thuẫn giữa tài sản hữu hình và tài sản tài chính”. Cũng theo ông Ánh, Việt Nam phải lựa chọn mình sẽ đứng ở đâu trong mối quan hệ Mỹ – Trung. “Về chính sách tài khoá, cần giảm bớt thâm hụt ngân sách bằng biện pháp giảm chi tiêu, cắt bớt các dự án đầu tư không hiệu quả”.
Trong nền kinh tế có mức độ đôla hoá như của Việt Nam, theo TS Võ Trí Thành, các chính sách tài khoá và tiền tệ rất khó thống nhất. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ tài chính. Ông cũng cho rằng trong hai năm qua, Việt Nam đã sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính (ví dụ như trần lãi suất), nên đặt nền kinh tế hiện tại trong một trạng thái mất cân đối đang diễn ra nghiêm trọng và có xu hướng tăng.
(Theo Mai Đình // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com