Khách tham quan gian hàng của VinaPhone tại Triển lãm Vietnam Comm & Vietnam Electronics 2009. Ảnh: Tuấn Hùng. |
Theo thống kê sơ bộ của ban tổ chức Triển lãm Truyền thông Quốc tế và Sản phẩm Điện tử 2009 (Vietnam Comm & Vietnam Electronics 2009) diễn ra từ ngày 18 đến 21-11 tại Hà Nội, khoảng 80% trong gần 200 doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp nước ngoài. Giới chuyên gia nhận định rằng, điều này cho thấy thị trường viễn thông Việt Nam vẫn đang duy trì sức hấp dẫn lớn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông đã hiện diện tại cuộc triển lãm kéo dài bốn ngày này, có thể kể đến những cái tên như Orange France Telecom, Nokia Siemens Networks, NTT DoCoMo, Huawei, ZTE, Ericsson, Motorola...
Một số doanh nghiệp nước ngoài đã tổ chức trình diễn công nghệ viễn thông thế hệ thứ ba – 3G – và bày tỏ ý định tìm cơ hội hợp tác triển khai cũng như tham gia vào tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Tìm cơ hội từ 3G
Có nhiều chủ đề khác nhau tại Vietnam Comm & Vietnam Electronics 2009, song 3G là chủ đề nóng và cũng là trọng tâm của sự kiện này. Bởi đây là thời điểm các mạng di động Việt Nam đang chạy đua cung cấp các dịch vụ 3G ra thị trường.
Mặc dù đã có khá nhiều khách hàng tại thị trường Việt Nam, song Nokia Siemens Networks tham gia triển lãm lần này nhằm mục đích giới thiệu những giải pháp truyền tải trung gian qua giao thức IP có thể hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam phát triển 3G, và mục tiêu xa hơn mà họ nhắm tới là công nghệ LTE (4G).
Ông Krittika Mahattanakul, Trưởng khu vực Bắc Á của Nokia Siemens Networks nhận định rằng thị trường viễn thông Việt Nam đang phát triển nhanh, và điều này tạo nên tính hấp dẫn cho thị trường.
Không kém cạnh Nokia Siemens Networks, Orange France Telecom biểu diễn những dịch vụ di động sẽ ứng dụng khi Việt Nam phổ cập 3G như xem truyền hình trên điện thoại di động, điện thoại có kiểu dáng đồng hồ đeo tay tích hợp công nghệ 3G, công nghệ giải trí 3D, truy cập Internet bằng điện thoại di động 3G…
Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của thế giới tham gia trình diễn công nghệ tại cuộc triển lãm với dụng ý thuyết phục VNPT – đơn vị tổ chức triển lãm và cũng là đơn vị có thành viên sắp được cổ phần hóa (MobiFone) – trong quyết định lựa chọn đối tác tham gia cổ phần hóa.Trao đổi bên lề cuộc triển lãm, ông Didier Lombard, Chủ tịch Orange France Telecom, không ngần ngại cho biết tập đoàn này rất quan tâm tới việc tham gia cổ phần hóa tại MobiFone. “Chúng tôi muốn trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam”, ông nói.
Cuộc triển lãm cũng lần đầu tiên thu hút chín doanh nghiệp đến từ Pháp, bao gồm Sagem, SAP, Acome, eServglobal, HTTV, HIT Value, Infoterra, Mentum và Pentalog. Các công ty này đã giới thiệu các công nghệ như truyền thông băng thông rộng, dịch vụ truyền hình tương tác, thanh toán qua thiết bị di động, dịch vụ hệ thống và các sản phẩm tin nhắn, số liệu bản đồ cho mạng không dây, cáp đồng và cáp quang...
Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng VNPT, cho biết việc thu hút các doanh nghiệp quốc tế đến tham gia triển lãm đã không bị ảnh hưởng nhiều bởi những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới về công nghệ thông tin, truyền thông và điện tử.
Chia sẻ kinh nghiệm
Không chỉ tham gia trình diễn công nghệ, nhiều doanh nghiệp quốc tế tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ triển lãm còn chia sẻ kinh nghiệm triển khai 3G của mình, cụ thể là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Ông Hiroshi Matsui, Phó chủ tịch điều hành của NTT DoCoMo – mạng di động lớn nhất Nhật Bản, cho rằng nếu biết cách khai thác, 3G là một cơ hội lớn đối với các mạng di động.
Tuy nhiên, ông cho biết trong hai năm đầu tiên triển khai 3G, doanh nghiệp này đã phải chịu lỗ vì cung cấp dịch vụ không thành công trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết lập mạng lưới, phát triển các ứng dụng công nghệ lại không hề nhỏ.
Nhật Bản là một trong số ít quốc gia triển khai thành công 3G trên diện rộng, hiện có hơn 90% khách hàng thuê bao di động đang sử dụng 3G, cao gấp ba lần so với tỷ lệ trung bình ở các nước Âu-Mỹ.
Ông Hiroshi Matsui cũng cho biết, doanh nghiệp đã phải tiến hành
nhiều cuộc nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm, phải phát triển dịch vụ trên nền tảng của một mạng lưới tốt. Nếu ngay từ đầu, người sử dụng đã thất vọng với chất lượng, sẽ thật khó để thuyết phục họ quay trở lại. Ngoài ra, sự thành bại của dịch vụ còn phải phụ thuộc vào chức năng của điện thoại. Nếu dịch vụ được cung cấp vượt trước chức năng của điện thoại thì nó cũng không thể thành công. Ông tư vấn rằng các nhà cung cấp mạng di động Việt Nam khi triển khai 3G không nên chỉ quá tập trung cho dịch vụ, mà còn phải chuẩn bị thiết bị đa dạng đi kèm để đáp ứng nhu cầu sử dụng từ cao cấp đến bình dân vì chính điều này mới tạo được sự đột phá, bùng nổ trên thị trường.
Một kinh nghiệm khác mà vị đại diện NTT DoCoMo chia sẻ là các nhà mạng di động Việt Nam nên tham khảo việc cung cấp dịch vụ miễn phí trong giai đoạn đầu tiên triển khai 3G. Hiện NTT DoCoMo đang cung cấp rất nhiều dịch vụ miễn phí 3G để giữ chân khách hàng. Chỉ một nhóm nhỏ các dịch vụ cao cấp hoặc đòi hỏi mức đầu tư ban đầu lớn mới bị thu phí.
Điều quan trọng đối với một nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động tại thời điểm này là phải nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng, phải đáp ứng tối đa nhu cầu của họ về cả dịch vụ, mạng lưới và thiết bị đầu cuối, ông Hiroshi Matsui nói.
Trong khi đó, ông Patrick Roussel, Phó chủ tịch điều hành của mạng di động Orange France Telecom, lại cho rằng không một tập đoàn nào có thể một mình triển khai thành công cũng như kiểm soát thị trường khi cung cấp dịch vụ 3G. Các doanh nghiệp cần phải hợp tác với các nguồn lực bên ngoài nếu muốn tăng cường năng lực cạnh tranh và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, các mạng di động cần xây dựng một mạng lưới các đối tác khi triển khai 3G để giảm bớt chi phí đầu tư và tập trung cho chất lượng dịch vụ. Các đối tác của nhà khai thác mạng có thể là nhà sản xuất điện thoại di động hoặc các nhà phát triển và cung cấp nội dung, dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng.
Với kinh nghiệm triển khai 3G tại 12 nước trên thế giới và hiện đang có gần 30 triệu khách hàng, Orange France Telecom cũng cho rằng để thành công, dịch vụ phải tốt ngay từ đầu để tránh việc khách hàng thất vọng. Yếu tố quan trọng thứ hai là nhà mạng phải lựa chọn đúng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và yếu tố thứ ba là các dòng điện thoại hỗ trợ 3G phải có giá thành hợp lý. Bên cạnh đó, các mang di động phải hướng dẫn để khách hàng sử dụng dịch vụ này được dễ dàng.
“Muốn triển khai 3G thành công thì mạng di động Việt Nam nên hợp tác với đối tác nước ngoài”, ông Patrick Roussel nói, và bày tỏ rằng tập đoàn của ông muốn được làm đối tác chiến lược của MobiFone.
“Để phát triển được dịch vụ truyền hình trực tuyến trên điện thoại di động có chất lượng tốt, chúng tôi đã phải mất sáu năm. Nhưng nếu MobiFone hợp tác với chúng tôi thì họ có ngay được dịch vụ này cung cấp cho khách hàng mà không cần phải mất thời gian nghiên cứu”, ông nói thêm.
Một vị lãnh đạo khác của Orange France Telecom là ông Bharman Sury, Giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh tại châu Á, lại nhấn mạnh đến tính sáng tạo trong việc đưa ra các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ dành cho mạng 3G đang được triển khai ở Việt Nam. Theo ông, nhà khai thác mạng phải có những dịch vụ sáng tạo, khác biệt với đối thủ cạnh tranh, nhưng lại gần gũi với khách hàng thì mới có thể theo kịp cuộc đua trên thị trường. Lời tư vấn ông đưa ra là các mạng di động có thể tổ chức các cuộc thi để tìm ra những ý tưởng sát với nhu cầu của người sử dụng.
(Theo Vân Ly // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com