Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tình hình cung ứng điện 2011: Lại gióng lên hồi chuông báo động

Tình hình cung ứng điện năm 2011 lại gióng lên hồi chuông báo động, khi hầu hết các nhà máy thủy điện không thể tích đủ nước do khô hạn, bên cạnh đó là nhiệm vụ xả nước chống hạn cho vụ đông xuân ở Bắc Bộ, đẩy mặn ở các tỉnh phía nam sẽ thiếu hụt một lượng lớn nước phát điện. Trong khi đó, do phải tăng mua các nguồn điện giá thành cao, nên tình hình tài chính của EVN đang đặc biệt khó khăn.

Miền Bắc sẽ thiếu điện trầm trọng


Tại cuộc họp bàn giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2011 của EVN sáng 10.1, GĐ Nhà máy thủy điện Hòa Bình - ông Nguyễn Văn Thành bày tỏ quan ngại: Năm 2011, tình hình khô hạn tiếp tục diễn biến khốc liệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tích nước của hồ thủy điện. Đến 31.12.2010, hồ Hòa Bình chỉ tích được 100,89m, hụt 16,11m so với mức nước đầy hồ, thiếu hụt khoảng 3 tỉ mét khối nước so với trung bình nhiều năm, tương đương với lượng điện năng khoảng gần 600 triệu kWh.

Đây là mức thiếu hụt lớn so với năm 2010, năm được coi là hạn hán khốc liệt nhất kể từ khi vận hành nhà máy. Sắp tới, TĐ Hòa Bình sẽ có 2 đợt xả nước chống hạn cho Đồng bằng Bắc Bộ với lượng nước khoảng 2,7-3 tỉ mét khối. “Hiện tại mực nước hồ Hòa Bình chỉ khoảng 99m (cùng thời điểm này năm ngoái là 114m), sau khi xả nước đổ ải, mực nước hồ sẽ xuống dưới 90m. Như vậy, 6 tháng mùa khô 2011, khả năng phát điện của Hòa Bình để đáp ứng nhu cầu của hệ thống là vô cùng khó khăn” - ông Thành chia sẻ. Tương tự như Hòa Bình, hiện mực nước các hồ thủy điện Tuyên Quang, Yaly, Trị An, Hàm Thuận... đều rất thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tổng lượng nước thiếu hụt trong năm nay, ước lên tới 12 tỉ mét khối, tương đương với sản lượng thủy điện thiếu hụt do không tích được đầy hồ lên tới 3 tỉ kWh.

Việc không đảm bảo sản lượng thủy điện dồi dào, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện than vào chậm, hiệu chỉnh kéo dài, đã khiến EVN phải gồng mình huy động lượng điện năng lớn từ Nam ra chi viện cho miền Bắc. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - TGĐ TCty Truyền tải điện quốc gia (NPT) than thở: Năm 2010, tổn thất điện năng của NPT bị đội từ 2,5% kế hoạch đề ra lên 3,11% chủ yếu do lưới điện 500kV vận hành hết công suất, nhưng phải chấp nhận vì có những thời điểm không tải ngược từ Nam ra Bắc thì miền Bắc sẽ khát điện trầm trọng. Năm nay, cũng chưa cải thiện được tình trạng này. Phụ tải tăng quá mạnh, trong khi bản thân NPT chưa tự cân đối được vốn để giải quyết nhu cầu đầu tư, khấu  hao không đủ trả nợ vay. “Hiện chúng tôi còn nợ nhà thầu 70 tỉ nhưng không có tiền chi trả. Phí truyền tải hiện chỉ ở mức 68đ/kWh là quá thấp do giá điện thấp” - ông nói.

Mất cân đối tài chính


Đây là thực trạng đáng báo động của ngành điện hiện tại. Ông Nguyễn Phúc Vinh - TGĐ TCty Điện lực miền Bắc (NPC), nơi chiếm tới 80% lượng tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ - cho biết: NPC đang bán điện cho khoảng 27 tỉnh, thành phía bắc, với giá bán bình quân 900đ/kWh, bằng 1/3 so với giá bán bình quân toàn EVN. Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn sẽ làm tăng số hộ dân nông thôn mua điện giá quy định, nhưng tỉ lệ tổn thất điện năng cao, chưa có đủ vốn để cải tạo ngay lập tức lưới điện cũ nát. Năm 2011, NPC mua điện Trung Quốc để cung cấp cho 10 tỉnh, thành phía bắc, giá 5,3 cent/kWh, cộng với phí truyền tải, phân phối, tương đương giá mua khoảng 1.400đ/kWh, trong khi đang bán điện với giá 760đ/kWh, bằng nửa giá mua điện. Tình trạng mua cao bán thấp đang đặt EVN trước nguy cơ không cân đối được khoảng 5.400 tỉ đồng để đổ dầu chạy các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với sản lượng khoảng 12 tỉ kWh trong các tháng mùa khô lớn. Ông Vinh cho biết: “Các ngân hàng đang “ngoảnh mặt” với khoản vay này vì không phát sinh lợi nhuận, trong khi ngân sách thì không có để bù...”. Năm 2011, dự kiến EVN sẽ cung ứng tới 112,6 tỉ kWh, mua ngoài tới 64,5 tỉ kWh sẽ càng khiến bức tranh tài chính của EVN rất ảm đạm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tình hình mất cân đối tài chính của ngành điện Chính phủ và Bộ Công Thương đang tập trung tháo gỡ, nhưng chỉ đạo chung là phải đảm bảo các cân đối vĩ mô, việc tăng giá điện sẽ chỉ được xem xét từ 1.3.2011.

(Báo Lao Động)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi