Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ 1.6: Đảm bảo giá điện sẽ minh bạch

 Từ 1.6, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, khi các yếu tố đầu vào cơ bản tác động trực tiếp đến chi phí phát điện biến động tăng hoặc giảm.

Trong khi thị trường chưa có sự cạnh tranh hoàn hảo (EVN vẫn chi phối tới 60% nguồn phát và là đơn vị mua điện duy nhất), thì từ 1.7 tới, EVN sẽ thí điểm vận hành thị trường điện cạnh tranh. Xung quanh quyết định này, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Hoàng Quốc Vượng.    

Thưa Thứ trưởng, dư luận lo ngại khi giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường và thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu là 3 tháng, thay vì một lần duy nhất trong năm. Liệu giá điện có tăng quá dày và quá cao khiến nền kinh tế gặp khó khăn?


Quyết định 24 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường chỉ xét đến 3 yếu tố đầu vào cơ bản là giá nhiên liệu, tỉ giá và cơ cấu sản lượng điện phát. Với quyết định mới, các chi phí khác của giá bán điện sẽ chỉ được xem xét và điều chỉnh sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định. Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường được tiến hành rất thận trọng. EVN được chủ động điều tiết trong trường hợp các thông số đầu vào thấp hơn hoặc bằng 5%.

Trường hợp điều chỉnh giá điện tăng trên 5%, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thẩm định, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh.

Tuy nhiên, sau khi thẩm định, Bộ Công Thương có ý kiến không cho phép EVN tăng, thì EVN cũng không được tăng giá. Hoặc vì các lý do nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến nền kinh tế vĩ mô, Chính phủ có thể yêu cầu EVN chưa tăng giá, mà điều chỉnh cho lần kế tiếp, hoặc sử dụng Quỹ Bình ổn giá điện để không tăng giá. Việc Thủ tướng cho phép điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhằm từng bước xây dựng giá điện phản ánh đầy đủ các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh điện, tiến tới hình thành thị trường điện cạnh tranh.

Được biết, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện. Theo đó, về nguyên tắc, muốn hình thành thị trường điện cạnh tranh lành mạnh, phải thiết lập được cơ cấu thị trường minh bạch. Trước mắt, tách các Cty phát điện trực thuộc EVN thành các đơn vị nhỏ hơn, không chi phối thị trường; đồng thời tách đơn vị vận hành hệ thống và vận hành thị trường điện ra khỏi EVN. Việc này triển khai đến đâu, thưa ông?

Trước khi ký QĐ 24, Thủ tướng đã có văn bản kết luận về đề án tái cơ cấu ngành điện. Theo đó, trước mắt, ngoài các nhà máy điện đa mục tiêu trong hệ thống Nhà nước vẫn nắm giữ, trực thuộc EVN; các nhà máy phát điện khác thuộc EVN sẽ nhóm lại thành 3 TCty phát điện, có tổng công suất và cơ cấu nguồn phát được phân bổ tương đương nhau. Các TCty nguồn điện này sẽ hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con, 100% vốn nhà nước, thời gian đầu vẫn nằm trong EVN.

Về lâu dài, sẽ hướng tới việc CPH một phần hoặc toàn bộ các TCty phát điện để tách ra hoạt động độc lập. Tuy nhiên, thời gian nào thì hiện chưa xác định và phải phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường điện. Từ 1.7 năm nay, Thủ tướng cũng yêu cầu EVN thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh có chào giá. Tuy nhiên, với điều kiện thị trường thí điểm hoạt động tốt, không có vấn đề trục trặc gì, thì quá trình CPH sẽ được thực hiện nhanh hơn. Mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, với chất lượng ổn định, giá cạnh tranh, không phải vì vận hành thị trường mà đẩy đến tình trạng thiếu nguồn do các Cty chạy theo lợi nhuận chào giá quá cao, hoặc khống chế thị trường.

Việc chào giá thí điểm tới đây sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch, có giám sát của các cơ quan quản lý và các đơn vị tham gia thị trường? Các yếu tố để vận hành thị trường đã hội đủ chưa, như dự phòng của hệ thống, hành lang pháp lý cho vấn đề này?

Về nguyên tắc, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ là đơn vị làm nhiệm vụ vận hành thị trường và vận hành hệ thống điện, trên cơ sở sản lượng phát, giá phát điện và nhu cầu của hệ thống sẽ xác định nhà máy phát nào chào giá cạnh tranh nhất sẽ được ưu tiên huy động trước. Trong giai đoạn thí điểm, tất cả các nhà máy điện thuộc EVN và các nhà máy của các tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, TKV, Sông Đà...), các nhà máy điện độc lập của tư nhân đều có thể tham gia chào sản lượng phát và giá bán trên thị trường. Việc huy động các nguồn phát và giá chào được thực hiện công khai, theo các quy định về vận hành thị trường điện được ban hành.

Tuy nhiên, từ 1.7, mới yêu cầu các nhà máy thử nghiệm chào, mà chưa huy động các nguồn điện theo bản chào của họ và chưa tính tiền theo giá chào. Giai đoạn thứ hai, huy động các nguồn phát theo mức chào, nhưng chưa tính tiền theo giá chào. Giai đoạn 3 sẽ huy động theo sản lượng chào và tính tiền theo mức giá chào. Các nhà máy thủy điện nhỏ - dưới 30MW không tham gia chào giá trực tiếp, trước khi xây dựng đều phải ký với EVN một hợp đồng mua - bán điện dài hạn. Trước mắt, các hợp đồng mua - bán điện dài hạn vẫn chiếm tới trên 90% tổng sản lượng điện phát, chỉ khoảng 6-7% sản lượng điện được chào giá trực tiếp trên thị trường.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Báo Lao Động)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi