Theo Bộ Công thương, xuất khẩu và nhập khẩu tháng 10 nhìn chung đều tăng so với tháng 9 nhưng vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Trong những tháng qua, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp (khoảng 3%/tháng). Hiện nay, giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng tăng nhưng lượng xuất khẩu trong các đơn hàng lại không còn nhiều. Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu nhận định: “kim ngạch xuất khẩu thời gian tới sẽ khó tăng”.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến dự kiến cũng tăng thấp. Trước tình hình đó, nếu huy động mọi nguồn lực cho xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu bình quân cho 2 tháng cuối năm chỉ đạt khoảng trên 5 tỷ USD/tháng và dự kiến cả năm đạt khoảng 56,5 tỷ USD, giảm khoảng 9,9% so với năm 2008. Bên cạnh đó, nhập khẩu có tốc độ tăng bình quân khá cao (khoảng 9%/tháng). Dự kiến kim ngạch nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng, cả năm kim ngạch nhập khẩu khoảng 68 - 69 tỷ USD. Và như vậy, nhập siêu khoảng từ 11,5 tỷ USD đến 12,5 tỷ USD (bằng 20 - 22% kim ngạch xuất khẩu).
Trong những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới đã có chuyển biến theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn đã tuyên bố thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn trong trình trạng suy giảm. Trước tình hình đó, Bộ Công thương cho rằng, nếu không có sự phối hợp tích cực giữa các cấp, các ngành, sự hợp tác từ các doanh nghiệp và thực thi các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nhập khẩu thì khó đạt được mục tiêu đề ra trong năm.
Thị trường nội địa khởi sắc
Thị trường trong nước tháng 10 đã sôi động hơn do thời tiết đang chuyển mùa. Hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động thông qua việc tổ chức các đợt khuyến mại, tuyên truyền quảng bá cho hàng Việt Nam. Vì vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tháng 10 ước đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng 9; tính chung 10 tháng ước đạt 958,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả hàng hóa tiêu dùng khá ổn định trong những tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,37% so với tháng 9 và tăng 2,99% so với tháng 10-2008. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 7,17% so với cùng kỳ. Giá cả hàng hoá trên thị trường nhìn chung chỉ tăng nhẹ và tập trung vào một số nhóm hàng như phương tiện đi lại, bưu điện 0,77%, giáo dục 0,73%, nhà ở, vật liệu xây dựng 0,55%, thực phẩm 0,49%... các nhóm hàng khác giá ổn định.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 4,75 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,3 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ, tương đương giảm 7,43 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu tháng 10 vào hầu hết các châu lục đều tăng so với tháng 9: Châu Á tăng 4,5%, Châu Âu tăng 5,2% (trong đó EU tăng 4,7%), Châu Đại dương tăng 4,6%... Thị phần kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của các khu vực Châu Á chiếm 45,0%, Châu Âu chiếm 23,0%, Châu Mỹ chiếm 23,4%, Châu Phi chiếm 2,1%, Châu Đại dương chiếm 4,4%, thị trường khác chiếm 2,1%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng 9, tương đương tăng 274 triệu USD. Một số mặt hàng có mức tăng kim ngạch nhập khẩu cao như: clanhke tăng 84,3%, sản phẩm từ sắt thép tăng 59,4%, khí đốt hóa lỏng tăng 36,4%, sản phẩm từ giấy tăng 34,1%,… Tính chung 10 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 55,119 tỷ USD, bằng 78,74% kế hoạch năm và giảm 21,7% so với cùng kỳ (tương đương giảm 15,247 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu giảm do giá bình quân của một số mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn giảm mạnh như phân bón, cao su, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, thép… |
(Theo nhan dan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com