Đi trên bờ đê, nhìn xuống xã Phục Công (Văn Giang, Hưng Yên) những khu vườn trồng hoa Hải Đường, hoa Trạng Nguyên… đang khoe sắc rực rỡ, hay những cây cảnh nghệ thuật có hình dáng độc đáo, làm cho không khí Tết như đến gần hơn với người dân nơi đây.
Ô tô thu mua cây cảnh phục vụ tết ở xã Phục Công - Ảnh Chinhphu.vn |
Xã Phục Công đã trở thành vùng trồng cây cảnh nổi tiếng không chỉ ở tỉnh Hưng Yên mà còn được nhiều nơi biết đến. Những ngày này, người dân trong xã đang tất bật chuẩn bị cây cảnh phục vụ tết.
Nghề hái ra tiền
Ngay từ đầu xã, chúng tôi đã bắt gặp những chiếc ô tô tải lớn, nhỏ đến chở cây cảnh vào phục vụ thị trường miền Nam.
Nhanh tay xếp những chậu hoa cảnh lên xe, anh Đỗ Văn Thứ, Hội phó Hội sinh vật cảnh xã vui vẻ nói: “Chúng tôi làm cây cảnh bán quanh năm nhưng bán chạy nhất là vào dịp giáp tết và đầu năm mới. Tết năm ngoái, vườn cây cảnh nhà tôi rộng khoảng nghìn mét vuông mà vẫn không đủ hàng”.
Năm 2009, chỉ tính riêng cây cảnh nghệ thuật, anh Thứ bán được 17 cây, thu về hơn 300 triệu đồng, trung bình mỗi cây cảnh có giá gần 20 triệu đồng.
Trước đây người dân xã này chủ yếu tận dụng vườn nhà trồng cây cảnh với quy mô nhỏ. Từ đầu những năm 1990, phong trào trồng cây cảnh trong xã bắt đầu phát triển mạnh, chuyển từ trồng cây cảnh trong vườn ra trồng ngoài ruộng với quy mô lớn. Đến nay, nhắc đến cây cảnh ở Hưng Yên, người ta nghĩ ngay đến cây cảnh xã Phục Công.
Anh Đỗ Văn Thứ, Hội phó Hội sinh vật cảnh xã Phục Công - Ảnh Chinhphu.vn |
Người trồng cây cảnh, nhất là cây nghệ thuật phải có năng khiếu thẩm mỹ để đánh giá phôi cây (cây cảnh chưa được tạo thế và dáng). Bằng con mắt thẩm mỹ của mình, người trồng cây cảnh dùng đôi tay khéo léo kiên trì, cắt tỉa tỉ mỉ từng chi tiết để biến những cây đề, cây si, cây lộc vừng... thành những cây có thế và dáng độc đáo, uyển chuyển như thế dáng long, thế tam đa, hay thế lão mai sinh quý tử ….
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân trong xã đang đa dạng hóa các sản phẩm từ cây cảnh. Bên cạnh những cây hoa và cây công trình, người dân đang chú trọng phát triển cây cảnh nghệ thuật. Đây là những cây mang lại giá trị kinh tế cao, những cây lâu năm, thế đẹp, có giá hàng trăm triệu, có khi lên đến cả tỷ đồng.
Anh Thứ khẳng định, cây cảnh cho giá trị kinh tế rất cao, so với cây lúa cây cảnh có giá trị cao gấp hàng chục lần. Chỉ tính đơn giản, một sào đất (360 m2) trồng được 400 cây hoa Hải Đường, khi thu hoạch mỗi cây bán với giá 150.000 đồng. Như vậy, một sào trồng hoa Hải Đường thu về 60 triệu đồng. Trừ chi phí người dân lãi 40 triệu đồng, cao gấp 40 lần so với trồng lúa, cao hơn gấp nhiều lần trồng hoa bình thường.
Cây cảnh Khủng Long có giá trị 1 tỷ đồng ở vườn cây nhà anh Hoàng Anh Tiến - Ảnh Chinhphu.vn |
Ông Phạm Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, các hộ dân trong xã đều làm cây cảnh, hộ ít có vài sào, hộ nhiều lên đến hơn 1 ha.
Tổng diện tích trồng cây cảnh của xã là hơn 600 mẫu, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 đạt 14 triệu đồng. Cây cảnh Phục Công có thị trường tiêu thụ rộng khắp từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, vào Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
“Chúng tôi đang chủ chương chuyển hơn 200 mẫu trồng màu sang trồng cây cảnh, đồng thời, đẩy mạnh phát triển cây cảnh nghệ thuật, là những loại cây cho giá trị kinh tế cao và ngày càng được ưa chuộng vào dịp tết”, ông Phạm Văn Tú nói.
Luôn có đất sống
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây cảnh rộng hàng nghìn mét vuông, anh Vũ Văn Triều kể cho chúng tôi nghe về quá trình làm giàu từ cây cảnh. Ngày trước, anh làm công nhân trong khu công nghiệp Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng lương, khá bấp bênh.
Năm 2004, anh về quê ăn tết. Thấy bà con đang phất lên nhờ cây cảnh, anh quyết định ở lại quê hương phát triển kinh tế.
Anh Vũ Văn Triều bên cây cảnh có giá trị 600 triệu đồng - Ảnh Chinhphu.vn |
Mới đầu, anh mua hai cây phôi, với giá hơn 1 triệu đồng. Sau khi cắt tỉa, tạo thế và dáng, anh bán được hơn 73 triệu đồng.
Thấy vậy, anh mở rộng diện tích. Từ hơn một sào, đến nay, anh có gần một mẫu trồng cây cảnh. Hiện vườn cây nhà anh có giá trị vài tỷ đồng, cây có giá trị cao nhất là 600 triệu đồng.
Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm trồng cây cảnh của các cụ cao niên ở xã, anh tích cực tham gia các hội chợ cây cảnh ở khắp đất nước. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều khách hàng chủ động tìm đến vườn cây của anh. Năm 2009, vườn cây cảnh của anh thu về gần 400 triệu đồng.
“Ngày nay, đất nước ngày càng phát triển nên người dân có điều kiện chơi cây cảnh nhiều hơn, nhất là vào dịp tết. Trong tương lai, nghề làm cây cảnh luôn có đất sống”, anh Trần Văn Triều cho biết.
Theo anh Vũ Văn Triều, chỉ riêng trong hội sinh vật cảnh của xã đã có 50 người (trong tổng số 54 hội viên) có quy mô và thu nhập như anh. Cả xã, số hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ cây cảnh lên đến cả trăm. Như thế, ở xã Phục Công có hàng trăm triệu phú cây cảnh. Còn những gia đình có cây cảnh nghệ thuật có giá trị tiển tỷ thì có đến vài chục hộ.
(Theo Nguyễn Thắng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com