Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23/1 đã tuyên bố ủng hộ việc đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về việc thành lập một nhóm đặc nhiệm tài chính nhằm đối phó với gánh nặng thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, đã lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2009.
Kế hoạch của Tổng thống Obama nhằm kiềm chế hoạt động kinh doanh rủi ro của các ngân hàng Mỹ. Ảnh minh họa |
Dự luật thành lập nhóm đặc nhiệm trên do Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Kent Conrad và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Judd Gregg đề xuất tháng 12 năm ngoái và sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 26/1.
Tổng thống Obama thừa nhận thâm hụt ngân sách của Mỹ đang ở mức "khổng lồ", và kêu gọi nghị sĩ hai đảng thể hiện sự đồng thuận đối với dự luật này trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Theo dự luật, nhóm đặc nhiệm sẽ gồm 18 thành viên với 10 nghị sĩ Đảng Dân chủ và 8 nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong đó chức đồng Chủ tịch nhóm sẽ có đại diện của cả hai bên. Nếu được thành lập, nhóm này sẽ xem xét toàn bộ các khía cạnh của nền tài chính Mỹ, cả trong hiện tại lẫn tương lai và đưa ra những đề xuất liên quan trình Quốc hội.
Giới phân tích cho rằng kế hoạch của Tổng thống Obama nhằm kiềm chế hoạt động kinh doanh rủi ro của các ngân hàng Mỹ không chắc gây tác động bất lợi tới các thể chế tài chính ở châu Á, mà thậm chí có thể còn có lợi cho khu vực này vì các ngân hàng Mỹ sẽ phải chuyển hoạt động kinh doanh quỹ đầu tư sang khu vực này.
Trong khi các ngân hàng ở Anh và châu Âu đang nghiên cứu kế hoạch của Obama để xem có thể "bắt chước" được hay không, thì các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi mà các ngân hàng châu Á từng thể hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính đã cho thấy không cần thiết phải thắt chặt kiểm soát tài chính ở khu vực này. Theo Shane Oliver, nhà kinh tế của công ty AMP Capital Investor của Ausstralia, không cần tăng cường các quy định cho khu vực ngân hàng châu Á vì các ngân hàng này không gặp rắc rối như của các ngân hàng Mỹ trong cuộc khủng hoảng.
Mặc dù các thể chế tài chính ở châu Á không "hoàn toàn bình an vô sự" trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng tổn thất của họ là nhỏ so với các thể chế tài chính phương Tây, ít nhất là nhờ bài học mà họ rút ra được qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Theo Billy Mak, Phó Giáo sư về tài chính của Đại học Baptist ở Hong Kong, phần lớn các ngân hàng châu Á là ngân hàng thương mại với các dịch vụ ngân hàng đầu tư tương đối nhỏ và có ít hoạt động buôn bán tài sản. Khác với nhiều ngân hàng trung ương ở phương Tây, những nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã có sẵn quy định về tính thanh khoản.
Một số chuyên gia cho rằng các trung tâm tài chính lớn của châu Á như Hong Kong và Singapore có thể được lợi nhờ kế hoạch của Tổng thống Obama nếu mời các ngân hàng Mỹ thành lập các quỹ đầu tư và quỹ đầu tư chứng khoán tư nhân tại châu Á.
Ngoài ra, các nước đang phát triển sẽ dễ vay tiền của phương Tây hơn.
Fauzi Ichsan, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Standard Chartered ở Indonesia nói: "Khi các ngân hàng Mỹ buộc phải ít đầu cơ hơn và trở lại hoạt động kinh doanh chủ chốt của mình là cho vay, thì các ngân hàng Indonesia sẽ dễ vay tiền hơn của các ngân hàng Mỹ hoặc các ngân hàng thế giới. Các quy định mới sẽ giúp các thị trường tài chính trong khu vực trở nên ổn định hơn".
(Theo Linh Đức // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com