Quy hoạch sử dụng, kiểm kê đất và công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư là những vấn đề nhiều địa phương còn “loay hoay”.
Lắng nghe vướng mắc từ các địa phương - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 18/5, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để tháo gỡ những vướng mắc về quản lý đất đai.
Với nhiều địa phương, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết vẫn khó thực hiện; kiểm kê đất gặp nhiều khó khăn do chưa xác định rõ được địa giới hành chính. Từ đó, dẫn đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm và chưa hiệu quả.
Nên có quy hoạch đô thị chung
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu nêu lên một thực tế, Hà Nội đang thực hiện nhiều đề án quy hoạch có nội dung và thời gian không trùng nhau. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất cần phù hợp với quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô. Vì vậy, rất cần sự thống nhất về thời gian và tầm nhìn trong các đề án quy hoạch.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Đào Anh Kiệt cho rằng, do vị trí địa lý và tình hình kinh tế ở mỗi địa phương khác nhau nên việc lập quy hoạch không thể theo khuôn mẫu. UBND các tỉnh, thành phố dựa trên chương trình khung của Bộ để xây dựng quy hoạch riêng phù hợp với thực tế địa phương mình. Quy hoạch đất nên gắn với quy hoạch đô thị để tạo sự đồng bộ, thuận lợi cho công tác hỗ trợ, tái định cư lâu dài.
Thực tế, việc quy hoạch sử dụng đất gặp khó khăn là do các địa phương chưa nắm chắc quỹ đất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Văn Chung nêu ví dụ, tỉnh có quỹ đất rất dồi dào, nguồn thu từ đất chiếm 30 – 50% ngân sách nhưng tỉnh vẫn chưa nắm chắc được quỹ đất, chưa có mô hình quản lý tổng thể đất đai. Khi thực hiện các dự án, việc đo đạc, quy hoạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên thừa nhận những vấn đề về quy hoạch ông Hậu và ông Kiệt nêu ra là rất cấp thiết. Để xử lý vấn đề này, các địa phương cần chủ động thực hiện công tác quy hoạch theo Nghị định 69 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đặc biệt, cần rà soát để nắm chắc quỹ đất, từ đó xây dựng quy hoạch tổng thể.
Ngay tại buổi giao ban, các địa phương đã có phản hồi về việc áp dụng Nghị định 69 và Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương nảy sinh nhiều vấn đề nhất. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TP cần kiểm tra trực tiếp những vấn đề còn vướng mắc, đo đạc lại đất đai, xác định rõ thời hạn sử dụng đất.
Hiện tại, Bộ đã tổng hợp xong các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và dự kiến trong tháng 6/2010 sẽ trình Chính phủ Dự án quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.
Linh hoạt trong thu hồi, đền bù đất
Nhiều địa phương thừa nhận, do việc quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ nên hệ lụy là việc thu hồi, đền bù, tái định cư còn chậm và chưa hiệu quả.
Có một thực tế là khi quyết định thu hồi đất cho một dự án, địa phương gặp nhiều khó khăn khi đất trong khu vực dự án thuộc sở hữu của nhiều đối tượng. Trong khi đó, theo quy định, cấp tỉnh, thành phố thu hồi đất của tập thể, tổ chức còn đất của cá nhân do cấp huyện thu hồi.
Hầu hết các địa phương đều kiến nghị nên “quy về một mối”, việc thu hồi đất nên giao cho một cấp để tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đảm bảo tiến độ các dự án.
Về việc đền bù cho người dân, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu các địa phương cần linh hoạt trong cơ chế, chính sách đền bù. Các đô thị, thành phố lớn quỹ đất hạn hẹp thì đền bù bằng tiền mặt, các địa phương quỹ đất dồi dào thì đền bù bằng diện tích đất tương đương. Trường hợp nếu người dân cần hỗ trợ về nhà ở tái định cư, địa phương cũng cần chủ động, linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân.
Sau khi Nghị định 69 được ban hành, đến nay đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, 45 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định chi tiết, cụ thể, 1 tỉnh quy định tạm thời về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Về mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân khi thu hồi đất, một số địa phương như Hà Nội, Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên đã ban hành mức hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp. Các địa phương khác như Tuyên Quang, Hưng Yên, Nam Định… hỗ trợ từ 2 – 3 lần giá đất nông nghiệp.
Theo các tỉnh, việc quy định mức hỗ trợ 1,5 – 5 lần là hợp lý, tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt để các tỉnh, thành chủ động áp dụng mức hỗ trợ phù hợp với thực tế địa phương.
(Theo Thu Cúc // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com