![]() |
Nền kinh tế và người dân sẽ còn phải chịu nhiều thua thiệt khi bộ máy hành chính công hoạt động kém hiệu quả |
Bất cập về chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức đang là lực cản lớn đối với quá trình cải cách hành chính công ở Việt Nam.
Một ngày đầu tháng 12 vừa qua, một số đại sứ và đại diện các nhà tài trợ quốc tế đã chăm chú lắng nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày về công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống nhà nước. Là người đứng đầu phía Việt Nam đàm phán các hiệp định vay vốn ODA từ phía các nhà tài trợ, ông Phúc trước đó được một đại sứ nêu câu hỏi liên quan đến nạn chạy chức, chạy quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Trước sự quan tâm của các đại sứ, Bộ trưởng nói riêng về công tác nhân sự ở bộ mà ông chịu trách nhiệm. Ông nói rằng, Bộ KH&ĐT đang có 5 thứ trưởng, trong đó có vài người mới được bổ nhiệm theo những quy trình rất chặt chẽ. Chỉ sang một thứ trưởng và một vụ trưởng bên cạnh mình, ông nói: “Có những nhân viên của tôi đây, các ngài có thể hỏi họ xem tôi có nhận tiền của họ để đề bạt họ không?
Không bao giờ có chuyện đó. Đạo đức không cho phép tôi làm chuyện đó, vì nếu nhận tiền rồi bổ nhiệm cán bộ, tôi sẽ không thể yêu cầu họ làm việc công được”. Tuy nhiên, ở góc độ rộng hơn, Bộ trưởng thừa nhận: “Nạn chạy chức chạy quyền là có, nhưng Chính phủ chúng tôi đang kiên quyết loại trừ bằng những quy chế cán bộ đặc biệt, quy hoạch cán bộ nguồn, và quy trình đề bạt cẩn trọng”. Cách trả lời thẳng thắn và ngắn gọn của ông Phúc dường như đã thuyết phục được nhiều nhà tài trợ. Họ đã rất chăm chú nghe ông giải thích và không đặt thêm câu hỏi về đề tài này nữa.
Một câu chuyện khác cũng liên quan đến cán bộ công chức. Một thứ trưởng yêu cầu không nêu tên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kể lại rằng, ông đang chịu sức ép rất lớn trước việc phải giữ chân được những cán bộ có năng lực để giúp xây dựng những văn bản pháp luật chuyên ngành, trong khi lương của họ rất thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Có những chuyên viên có năng lực, đã qua ngót nghét 10 năm làm việc và đào tạo, đã nhận ra rằng mức lương đó khó mà nuôi thân, và đã bày tỏ ý định bỏ việc. Vị thứ trưởng cho biết, mình đang phải chịu sức ép rất lớn vì ông thực sự cần những chuyên viên đó, trong khi số biên chế cho phép đã hết. Do vậy, ông không thể tuyển thêm người, mà có tuyển được thì cũng còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Cuối cùng, ông thứ trưởng kể, ông đã phải dùng ảnh hưởng cá nhân để xin việc cho vợ của một số chuyên viên lành nghề đó ở những doanh nghiệp có thu nhập cao hơn với hi vọng giữ được họ ở lại làm việc với mình.
Hai câu chuyện trên chẳng liên quan đến nhau, nhưng đều có nội dung về cán bộ công chức. Câu chuyện đầu cho thấy, nạn chạy chức chạy quyền đã trở thành đề tài để các nhà tài trợ nước ngoài quan tâm trên bàn đàm phán ODA, sau khi nó được đề cập nhiều lần trước đó trên nhiều diễn đàn, từ báo chí đến Quốc hội. Trong khi đó, câu chuyện thứ hai cho thấy cuộc sống của những công chức có năng lực khó khăn đến thế nào, nếu không có sự can thiệp mang tính cá nhân của lãnh đạo.
Dù thế nào đi nữa, bản chất của hai câu chuyện này đều về chất lượng nguồn nhân lực và môi trường làm việc tại các cơ quan nhà nước. Phải làm sao để công chức sẵn sàng cống hiến nhằm đưa khu vực này trở thành động lực thúc đẩy, thay vì kìm hãm, quá trình phát triển? Cho dù nhiều bộ ngành và chính quyền địa phương đã thực hiện các chương trình quy hoạch cán bộ nguồn hay thi tuyển công chức công khai, thu hút người tài vào bộ máy hành chính… nhưng những mô hình này có vẻ còn lâu mới đạt được tinh thần mà chúng hướng tới.
Khi tuyển dụng và cất nhắc công chức thì phải dựa vào năng lực, thay vì chủ nghĩa thân quen. |
Kể từ khi mở cửa cách đây một phần tư thế kỷ, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục với mức sống của người dân đã tăng lên một cách rõ rệt và sự phát triển nhanh của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, hệ thống công vụ được đánh giá là không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế. Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc - Jairo Acuna Alfaro, người có nhiều kinh nghiệm với Chương trình cải cách hành chính tổng thể của Chính phủ được bắt đầu từ năm 2001, nhận xét: “Sự trì trệ trong các cơ quan nhà nước là có thật và nó kế thừa từ thời kế hoạch hóa tập trung trước đây. Tình trạng đó đã tồn tại khá lâu trong khu vực nhà nước và chưa có điều kiện cải thiện vì thiếu cơ chế cạnh tranh”.
Một trong những lực cản chính làm nhiều công chức nhà nước không thực hiện tốt công vụ, theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, là do chế độ lương thấp. Thực tế này đã được những nhà lãnh đạo cao nhất của bộ máy công quyền nhận thức rõ từ cách đây một thập kỷ. Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - Đinh Duy Hòa kể lại, một hội nghị trung ương hồi năm 1999 đã yêu cầu rằng, tiền lương trả cho cán bộ cũng là đầu tư cho phát triển, và vì thế cần phân bố nguồn lực lớn hơn. Nghị quyết của hội nghị còn yêu cầu phải xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức có năng lực và đáp ứng được với nhu cầu phát triển của đất nước. Ông Hòa nhận xét: “Vào thời điểm đó, quan điểm về trả lương như vậy là rất mới”. Đây là một trong những động lực rất lớn để các chuyên gia thiết kế Chương trình cải cách hành chính tổng thể giai đoạn 2001 - 2010.
Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau đó, khi chương trình này đi được nửa chặng đường, những người như ông Hòa đã thấy nguồn lực để trả lương là không đủ như định hướng của nghị quyết trên. Ông nói: “Câu hỏi nguồn ở đâu để cải cách tiền lương vẫn treo đó. Vậy nên, nói xây dựng đội ngũ công chức có năng lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển thì chưa được”.
Ông Hòa vẫn còn nhớ, một số bộ trưởng đã tỏ ra thất vọng với không ít cán bộ công chức dưới quyền trong một cuộc gặp liên quan đến cải cách hành chính do Bộ Nội vụ tổ chức gần đây. Nhiều bộ trưởng thừa nhận, trong cơ quan mình chỉ có hơn 30% viên chức làm việc thực sự và họ phải dựa vào các viên chức đó, hơn 30% gọi là có làm việc, và khoảng 30% không làm gì. Điều đáng ngạc nhiên là thái độ làm việc lại mâu thuẫn với bằng cấp mà các công chức có. Một nghiên cứu của Bộ Nội vụ cho thấy, tỷ lệ tiến sĩ và thạc sĩ ở các cơ quan chính phủ Việt Nam cao hơn nhiều so với ở Mỹ và Úc, những nước có tỷ lệ bằng cấp cao tập trung tại các viện nghiên cứu. Trong khi đó, tại Việt Nam, hơn 50% thành viên Chính phủ hiện tại có bằng tiến sĩ. Theo Bộ Nội vụ, đó là một tỷ lệ cao.
Các đại sứ đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phúc hôm đó trong bối cảnh họ vừa tổng kết một chuyên đề nghiên cứu về quản lý nguồn nhân lực của Việt Nam. Lương, thưởng thấp ở các cơ quan nhà nước đang gây ra tình trạng chảy máu chất xám. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước và thu hút rất nhiều người tài, có năng lực ra khỏi hệ thống hành chính công… khiến cho hệ thống công vụ rơi vào tình trạng không có đủ cán bộ, công chức đủ năng lực, hoặc công chức không có động cơ làm việc. Từ 2003 - 2007 đã có hơn 16.000 cán bộ công chức, trong đó 40% ở TPHCM, tự nguyện ra khỏi các cơ quan nhà nước. Trong bản báo cáo đó, các nhà tài trợ tổng kết rằng, Chính phủ đang phải đương đầu với thách thức căn bản là làm thế nào để thu hút, giữ chân và khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức có năng lực làm việc trong hệ thống công vụ? Ông Alfaro từ UNDP nói: “Để giải quyết điều này, Chính phủ cần giải quyết ba vấn đề là lương, lợi ích, và môi trường làm việc. Khi tuyển dụng và cất nhắc công chức thì phải dựa vào năng lực, thay vì chủ nghĩa thân quen”.
(Theo Vũ Minh // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com