Một cách ví von, vào tuần trước, các thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã dùng hình ảnh doanh nghiệp, nền kinh tế vừa mới ra khỏi “phòng cấp cứu”, vì vậy cần có thêm chính sách hỗ trợ để đảm bảo doanh nghiệp trụ vững, kinh tế tăng trưởng đạt chỉ tiêu. Câu hỏi đặt ra là, điều này có thực sự cần thiết?
Các số liệu thống kê cho thấy, sau khi trải qua gần 2/3 chặng đường của năm 2009, dù "sức khỏe" của nền kinh tế chưa thật sự ổn định, nhưng đã bắt đầu có những tiến triển tốt. Và mặc dù vẫn còn không ít khó khăn ở phía trước, như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp, xuất khẩu sụt giảm mạnh (sau 7 tháng, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ năm 2008)..., nhưng triển vọng cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt khoảng 5,2%, cao hơn so với mục tiêu mà Quốc hội điều chỉnh. Thậm chí, nếu kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn, các ngành, lĩnh vực trong nước lấy lại đà tăng trưởng sớm hơn trong 5 tháng cuối năm, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 có thể đạt mức cao hơn.
Tiếp tục đà phục hồi này, những kỳ vọng lớn hơn đã được đặt cho năm 2010, với tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 6,5-7%, còn tăng trưởng xuất khẩu là 6%. Có rất nhiều lý do để các nhà hoạch định chính sách tin tưởng vào mục tiêu này. Song khó khăn phía trước còn rất lớn và lường trước những bất ổn có thể xảy ra cũng là cách để hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Thực tế cho thấy, ngay tại thời điểm hiện nay, mặc dù kinh tế thế giới cũng đã qua điểm đáy và có chiều hướng tích cực hơn, song vẫn còn những dự báo rất khác nhau về khả năng hồi phục. Điều đó có nghĩa là, tính bất định của kinh tế thế giới vẫn còn rất lớn. Hơn thế, một dự báo gần đây cho thấy, nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ hồi phục theo mô hình chữ W. Nếu dự báo này là hiện thực, thì tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ không suôn sẻ như kỳ vọng: sau khi đi lên, sẽ lại rơi vào một chu kỳ sụt giảm. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.
Trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, một điều luôn luôn được nhắc tới, đó là phải theo sát tình hình kinh tế thế giới để có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Trong phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện các gói kích thích kinh tế. Điều này đương nhiên để đảm bảo nền kinh tế vừa "ốm dậy" có thể tiếp tục trụ vững và phát triển.
Tuy nhiên, có lẽ đây là thời điểm cần thiết để đánh giá lại một cách tổng thể hiệu quả của gói kích cầu. Cho tới nay, ngoài gói cấp bù lãi suất 4% đã giải ngân gần hết và cũng sắp hết hiệu lực (ngày 31/12/2009), gói cho vay nông nghiệp, nông thôn, cũng như cho vay để trả lương công nhân giải ngân rất chậm. Nông dân không hẳn không tiếp xúc được với nguồn vốn này, mà còn vì những điều kiện kèm theo mà người nông dân khó lòng đáp ứng.
Vẫn còn hơn một năm nữa cho việc thực hiện chính sách này, trong khi kích cầu nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là một trong những ưu tiên, vậy thì tại sao không đánh giá, nhìn nhận lại những vướng mắc trong thực tế, để sớm giải tỏa và đưa chính sách vào cuộc sống? Ngay cả việc cấp bù lãi suất 4% cũng vậy, hiệu quả thực sự đến đâu và có cần thiết phải tiếp tục thực hiện một gói kích cầu thứ hai như đề xuất của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia hay không? Những câu trả lời này chỉ có thể có được khi có những đánh giá xác đáng về quá trình triển khai, cũng như hiệu quả của gói kích cầu.
(Theo Thanh Hà // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com