Cận cảnh một làng bò sữa
Xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là một vùng quê thuần nông, hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc Khmer. Ðây là một trong những điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Ðời sống người dân trước đây chỉ dựa vào cây lúa. Do đất đai cằn cỗi, dân trí thấp, thiếu kỹ thuật canh tác nên phần lớn các hộ dân ở xã Tham Ðôn là hộ nghèo, hằng năm phải nhận trợ cấp. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của dăm, bảy năm trước.
Về Tham Ðôn bây giờ, cảm thấy nhịp sống nơi đây giống như một "xí nghiệp" của nhà nông. Cuối buổi chiều hằng ngày trên con đường liên xã, người dân hối hả chở những thùng sữa bò đầy ắp đến nhập cho hợp tác xã (HTX) thu mua có cái tên rất "Tây": EVERGROWTH. Gặp chúng tôi trên đường đi giao sữa, chị Thạch Thị Hà ở ấp Sô La 1 cho biết:
- Gia đình tôi vào HTX từ năm năm nay, hiện nuôi ba con bò sữa. Mấy công đất trước đây trồng lúa không đủ ăn, được chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Mỗi ngày tôi vắt từ 18-20 lít sữa bán cho HTX thu mua. Thu nhập từ nghề nuôi bò sữa giúp gia đình tôi thoát nghèo, có điều kiện nuôi các con ăn học.
Ở xã Tham Ðôn, từ những mảnh vườn nhà cho đến dọc hai bên các trục đường, cứ chỗ nào có đất là người dân lại trồng cỏ nuôi bò. Mầu xanh tươi nõn nà của cỏ làm cho khung cảnh làng quê thêm mát mẻ, no ấm.
HTX bò sữa EVERGROWTH thành lập từ năm 2003 với 171 xã viên. Ðến nay HTX đã phát triển lên gần 1.000 hộ, trong đó hơn 80% là người dân tộc Khmer. Tổng đàn bò của HTX hiện nay lên đến hơn 3.000 con. Ðây là mô hình xóa đói, giảm nghèo điểm của tỉnh, thuộc dự án "Nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Sóc Trăng" do tổ chức SIDA (Ca-na-đa) tài trợ. Bên cạnh nguồn vốn do SIDA giúp đỡ, những hộ dân nghèo còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn để mua bò. 100% các hộ xã viên này đều thuộc diện nghèo, được địa phương lựa chọn giới thiệu vào HTX và đều được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, vắt sữa bò, cách chữa trị một số bệnh thông thường ở bò.
Dưới HTX là các tổ, câu lạc bộ (CLB) tương đương với đầu mối các ấp, khu dân cư. Bảo đảm cho HTX hoạt động là các dịch vụ thú y, khuyến nông do ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với ban quản lý dự án tổ chức. Quyền lợi, nghĩa vụ chung - riêng giữa xã viên với CLB và HTX được gắn kết, ràng buộc thành những điều khoản cụ thể theo thế cài răng lược để tự quản lý lẫn nhau. Chẳng hạn, nếu CLB nào để xảy ra tình trạng xã viên tự tiện bán bò thì CLB đó phải bỏ vốn ra đền cho dự án (mỗi CLB có một nguồn vốn cố định xoay vòng, một phần do dự án tài trợ, một phần do xã viên đóng góp). Cái được của mô hình này là, mặc dù ở nhiều vùng quê khác, việc nuôi bò sữa đang gặp nhiều khó khăn, thì ở đây HTX vẫn bảo đảm rất tốt mọi khoản cho nhà nông từ kỹ thuật, thú y cho đến giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Tính ra, nuôi một con bò sữa, người nông dân có lợi nhuận cao hơn làm ba công ruộng lúa. Và đây chính là một hướng thoát nghèo bền vững, giúp HTX giải quyết rất tốt vấn đề lao động nhàn rỗi trong nông dân.
Mô hình CLB nông dân
Chúng tôi được tham dự một buổi họp định kỳ của CLB Nông dân ấp Sô La 1, thuộc HTX EVERGROWTH. CLB này gồm 40 hộ xã viên do ông Lưu Minh Ký làm chủ nhiệm. Mỗi tháng CLB tổ chức họp một lần để đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi, sử dụng nguồn vốn, tổng hợp báo cáo về HTX và Ban quản lý dự án. Dù là cuộc họp định kỳ nhưng ông Ký tổ chức rất bài bản, phát huy tốt tinh thần dân chủ của xã viên, đánh giá tình hình cụ thể, sát thực tới từng hộ. Sự thành công từ mô hình thí điểm này càng cho thấy vai trò của người tổ chức là rất quan trọng. Ông Huỳnh Thanh Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định:
- Xã viên trong HTX khởi nghiệp làm ăn từ "hai không" (không vốn, không tư liệu sản xuất) và "hai thiếu" (thiếu kỹ thuật, thiếu chuyên môn quản lý). Bởi vậy khi thành lập HTX, vấn đề cốt lõi là phải lựa chọn cho được người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để làm "thủ lĩnh", gắn kết sức dân thành một khối. Nếu không chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu.
Hoạt động quản lý của Hợp tác xã EVERGROWTH được thực hiện như mô hình một doanh nghiệp. Do xã viên đông, địa bàn quản lý rộng, hình thức hoạt động thành một dây chuyền khép kín bao gồm từ xây dựng, quản lý cho đến thu mua nguồn sữa bò nguyên liệu trong dân nên đòi hỏi người quản lý, điều hành trực tiếp phải là người có kiến thức, năng lực chuyên môn giỏi. Ban chủ nhiệm HTX là những người do xã viên bầu nên, do ông Mai Sươl làm chủ nhiệm. Ban chủ nhiệm giữ vai trò đầu mối để phối hợp với giám đốc điều hành quản lý hoạt động của HTX, đồng thời là người lựa chọn giám đốc. Mọi hoạt động của HTX đều do giám đốc chịu trách nhiệm trước ban chủ nhiệm. HTX đã tổ chức thi tuyển giám đốc. Anh Huỳnh Thanh Huy, cử nhân quản trị kinh doanh là người đắc cử. Nhân viên dưới quyền đều do giám đốc tự chọn. Giám đốc Huy cho biết:
- Trước khi làm giám đốc, tôi đã nghiên cứu rất kỹ tiềm năng, những thuận lợi, khó khăn của HTX và lập đề án hoạt động cụ thể, chi tiết. Hiện nay hoạt động của HTX đã và đang tiến triển rất tốt.
Nhờ chọn được giám đốc giỏi, ban quản lý năng động nên các hộ xã viên toàn tâm toàn ý vào việc nuôi bò lấy sữa. Năng suất sữa bò khoảng 7-9 lít/con/ngày.
Thành công của mô hình nuôi bò sữa ở Hợp tác xã EVERGROWTH đã được UBND tỉnh Sóc Trăng chọn làm điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra một số địa phương khác trong tỉnh. Theo ông Huỳnh Thanh Hiệp, để mô hình phát triển ổn định, bền vững, cần xác định và tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, có sự chỉ đạo nhất quán, định hướng quy hoạch, hỗ trợ pháp lý, giúp dân vay vốn ngân hàng, tổ chức cán bộ xuống cơ sở giúp dân về kỹ thuật... Tùy từng vùng, từng địa phương để áp dụng cách làm phù hợp. Dân nghèo thường đi đôi với dân trí thấp. "Tổ chức các mô hình làm ăn cho họ phải có hẳn một lộ trình bài bản, làm thận trọng, tỉ mỉ, làm đến đâu chắc đến đó, không nên cùng một lúc triển khai đại trà. Mọi sự nóng vội chạy theo phong trào tất yếu sẽ dẫn đến nửa vời, thất bại." - Ông Hiệp nhấn mạnh.