Khách hàng lựa chọn sản phẩm của Công ty Kinh Đô tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Linh Tâm
Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được Bộ Chính trị chủ trương phát động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng hóa bảo đảm chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Theo định hướng, mục tiêu chính là làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người Việt Nam sử dụng hàng trong nước, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. DN sản xuất, kinh doanh khi triển khai các dự án, công trình sử dụng trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ nội địa có chất lượng tương đương ngoại nhập...
Hiện nay, Bộ Công thương đã chủ động vào cuộc để hỗ trợ các DN trong hoạt động điều tra, khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa. Chương trình hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất đang được đẩy mạnh và khuyến khích xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời tiếp tục xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Về phía DN, không ít DN đã "tỉnh", tìm cách "thi đấu trên sân nhà", mặc dù trước đó chỉ chú trọng vào mục tiêu sản xuất để xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, đó là quyết định khôn ngoan và cần thực hiện càng nhanh càng tốt bởi thị trường trong nước đầy tiềm năng, được xếp hàng đầu thế giới về mức hấp dẫn về tiêu dùng.
Có thể thấy việc phát động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thể hiện rõ mối quan hệ cung - cầu tương hỗ, nâng đỡ và cùng phát triển của sản xuất và tiêu dùng. Khi có nhiều người Việt mua hàng Việt, có điều kiện để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ nhằm đưa ra những sản phẩm đẹp và có chất lượng cao hơn. Nhìn xa hơn, nếu từng DN phát triển tốt, có sản phẩm tốt sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ hình thành những chuỗi giá trị chung của thương hiệu Việt - niềm tự hào của dân tộc trong thời hội nhập kinh tế quốc tế.
…Để hàng nội lên ngôi
Cuộc vận động trên đã đáp ứng yêu cầu thực tế nên nhiều đơn vị đã sẵn sàng tham gia. Đại diện chuỗi siêu thị của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, hàng hóa Việt Nam ngày càng đẹp, bảo đảm chất lượng hơn nên thu hút được người tiêu dùng. Điều đó lý giải vì sao hầu hết hàng trong các siêu thị Hapro đều được sản xuất trong nước, từ thực phẩm, đồ uống đến đồ gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh cao cấp và bán rất chạy. Gần đây, Hapro còn tham gia nhiều chuyến đưa hàng về các huyện, vùng xa của Thủ đô theo phương thức bán hàng lưu động, được bà con rất ủng hộ.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C, hàng sản xuất trong nước đã dần thay thế hàng ngoại, nhất là của các nước ASEAN, hiện hơn 90% hàng bán tại đây có xuất xứ nội địa. Siêu thị đã đưa ra nhiều chiến dịch khuyến mại, được người tiêu dùng tín nhiệm và qua đó thắt chặt quan hệ với những DN vệ tinh với việc gia tăng đơn đặt hàng. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng có phương án đầu tư thỏa đáng để sản xuất hàng có mẫu mã, chất lượng, kiểu dáng bắt mắt, hợp thị hiếu theo định hướng cạnh tranh bằng giá và chất lượng nhằm tăng doanh số bán hàng nội địa. Tập đoàn đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng mạng lưới cửa hàng đến 22 tỉnh, thành phố với hơn 70 siêu thị và cửa hàng thời trang, chủ động đưa hàng tiếp cận người tiêu dùng. Tới đây, tập đoàn dự kiến dành 6-7 tỷ đồng đưa hàng về thị trường nông thôn và triển khai chương trình vận động người tiêu dùng mua sản phẩm của mình. Theo đó, sẽ triển khai hệ thống phân phối để đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa; đồng thời trích 1.000 đồng/sản phẩm để ủng hộ đồng bào ở đảo xa. Hệ thống cửa hàng sẽ tổ chức các chương trình "Sành điệu cùng hàng hiệu Việt Nam", thi biểu diễn thời trang hàng Việt với khẩu hiệu "Khi khách hàng mua sản phẩm Việt Nam là tạo thêm một việc làm cho công nhân"…
Ngay từ tuần đầu tháng 8, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu chương trình Tháng khuyến mại diễn ra từ ngày 1 đến 30-9 để tăng tốc tiêu thụ hàng cho DN, thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ. Nhiều DN đưa hàng về vùng nông thôn như Công ty Kỹ nghệ Vissan bán tại 6 xã nghèo của huyện Bình Chánh và KCX Linh Trung 1. Mức giảm giá bình quân của đợt bán hàng này là 5-10%. Tại các "giờ vàng", nhiều mặt hàng của Vissan có thể giảm đến 50%. Hệ thống Siêu thị Co.op Mart tổ chức tháng tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, giảm giá sản phẩm, sẵn sàng tư vấn tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng... Theo Bộ Công thương, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đã tăng 20-30% trong thời gian gần đây.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, các DN phải phát triển vững mạnh, đưa ra sản phẩm, dịch vụ tốt mới nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng để khẳng định vị trí trên thị trường. Theo ông, không thể cứ trông chờ mãi vào tăng trưởng của xuất khẩu, cần phải nhận thức được tầm quan trọng của thị trường nội địa và rõ ràng hiện nay, bán được hàng Việt trên chính sân nhà đang trở thành vấn đề cấp bách nếu các DN muốn tồn tại bền vững.
(Theo Hồng Sơn/HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com