|
Thay vì truyền thông cho người dân hiểu đúng về cúm A/H1N1, các phương tiện thông tin lại đưa quá nhiều về các trường hợp bị cúm A/H1N1 “bỏ bom”.
Đó là nhận xét của GS.TS Lê Đăng Hà, nguyên Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, xung quanh công tác tuyên truyền phòng chống cúm A/H1N1 ở Việt Nam hiện nay.
GS Hà cho rằng với cách truyền thông như vậy, một mặt sẽ khiến cho người dân có tâm lý chủ quan do ở nước ta vẫn chưa có trường hợp nào tử vong. Mặt khác, lại dễ làm nảy sinh tâm lý hoảng sợ, khiến các sinh hoạt hàng ngày, công việc của không ít người dân bị đảo lộn.
Ở Việt Nam, cúm A/H1N1 đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và con số này không ngừng tăng lên. Theo ông, công tác tuyên truyền để người dân biết về thông tin này là chưa phù hợp?
Đúng là hiện nay công tác tuyên truyền về phòng chống cúm A/H1N1 đã có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể. Tuy nhiên sự phối hợp cũng như tuyên truyền lại chưa đi đúng trọng tâm.
Thay vì tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về cúm A/H1N1 cũng như cách phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng, các phương tiện thông tin lại nói quá nhiều tới số lượng người nhiễm cúm, tòa nhà này, trường học kia bị cúm A/H1N1 “bỏ bom”, khiến người dân không khỏi hoảng sợ.
Cúm A/H1N1 tuy là chủng cúm có độc lực không cao, nên tỷ lệ tử vong thấp, nhưng cũng rất cần phải đề phòng vì đây là chủng cúm mới xuất hiện nên dân cư chưa có miễn dịch, cũng như chưa có vắc xin để phòng và tốc độ lây nhiễm rất nhanh.
Trong khi đó, ngay cả việc tuyên truyền cho người dân phải đeo khẩu trang, nhưng đeo khẩu trang vào lúc nào thì không phải ai cũng hiểu đúng.
Vậy trong tình hình cúm A/H1N1 đang lây lan rộng như hiện nay, người dân có cần phải thường xuyên đeo khẩu trang và sử dụng những khẩu trang có khả năng lọc virus không thưa ông?
Thực tế, đeo khẩu trang là một biện pháp tốt để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh khi có bệnh dịch lây qua đường hô hấp xảy ra.
Hiện người dân có thể sử dụng khẩu trang giấy dùng trong phẫu thuật vẫn được bán tại các cửa hàng thuốc mà không cần phải sử dụng các loại khẩu trang có khả năng lọc virus như khẩu trang N95.
Người dân cũng nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người mình chưa biết rõ tới từ vùng nào, hay tới những nơi đông người. Còn đối với những vùng, địa phương chưa phát hiện có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 thì không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang thường xuyên.
Hiện có một số người thấy mình có một số biểu hiện như ho, sốt… đã vội vàng tới các cơ sở y tế “đòi” nhập viện, gây ra tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế. Theo ông, những người có triệu chứng như thế nào mới cần phải tới các cơ sở y tế?
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC), trẻ em khi có những triệu chứng sau cần phải khẩn trương đưa tới các cơ sở y tế: ho, sốt, khó thở và thở nhanh; da tự nhiên xám lại; không muốn uống nước, nôn nhiều, nông liên tục; nằm thờ ơ không chú ý đến xung quanh và không muốn ngồi dậy.
Còn đối với người trưởng thành, khi có các biểu hiện như: khó thở, thở hổn hển; đau bụng, đau ngực; chóng mặt; sốt nhẹ nhưng có biểu hiện nói lẫn; nôn liên tục kéo dài; sốt cao kéo dài mới cần phải đưa tới các cơ sở y tế để phân lập virus xem có đúng là nhiễm cúm A/H1N1 hay không.
Những đối tượng nào sẽ có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm cúm A/H1N1, thưa ông?
Thống kê của CDC cho thấy, mỗi năm, chỉ bệnh cúm mùa (chủng cúm vẫn lưu hành tại địa phương) đã cướp đi sinh mạng của khoảng 36.000 người dân Mỹ và khoảng 200.000 người phải nhập viện do các biến chứng của bệnh cúm này.
Trên thực tế, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, những người đã tử vong do cúm A/H1N1 chủ yếu là người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và những người có bệnh mãn tính như hen, tiểu đường…
Năm học mới đã đến gần, trong khi đó, trường học cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao đối với cúm A/H1N1. Vậy theo ông, có cách gì để các cơ sở này vẫn có thể hoạt động bình thường trong tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục bùng phát?
Hiện chưa có vắc xin để phòng chống cúm A/H1N1, đây cũng không phải cúm mùa, nên không thể nói khi nào dịch bệnh này sẽ dừng lại. Do đó, mấu chốt hiện nay vẫn là công tác tuyên truyền cho mọi người về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Tại các trường học, trong tình hình hiện nay giáo viên đứng lớp cần sát sao hơn tới sức khỏe của các em. Nếu học sinh nào có biểu hiện ho, sốt… cần nhanh chóng chuyển tới các cơ sở y tế để chuẩn đoán và cách ly để không lây nhiễm cho các bạn cùng lớp.
Riêng trong giờ ra chơi, cần khuyến cáo các học sinh phải đeo khẩu trang vì khi đó các em có thể tiếp xúc với học sinh của nhiều lớp khác cùng trong sân trường.
(Theo Y Nhung // VnEconomy)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com