Trong thời điểm các mặt hàng đua nhau tăng giá, không ít người tiêu dùng có thói quen tìm đến những điểm bán giá rẻ để tiết kiệm chi tiêu. Theo chia sẻ của không ít bà nội trợ, các mặt hàng bình ổn dù được cho là rẻ nhưng vẫn có những nguồn có giá rẻ hơn, nếu tìm hiểu giá trước khi mua.
Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên tạp vụ, Công ty xây dựng UD, đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP HCM) tính toán, do giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng liên tục từ hơn một tháng qua, chị phải tính chuyện cân đối giữa thu và chi. Trước đây chị và các chị em đồng nghiệp thường đến các điểm bình ổn giá để mua các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, vì có những giai đoạn giá rẻ hơn hẳn giá ngoài chợ lẻ. Tuy nhiên, từ sau tết đến nay, sự chênh lệch giữa nhóm hàng được bình ổn với không được bình ổn không còn nhiều như trước nữa. Mặt khác, khi có biến động về giá theo chiều hướng giảm thì hàng bình ổn lại giảm chậm hơn so với thị trường.
Khảo sát giá một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ và một số siêu thị ngày 18/4, thấy rõ sự chênh lệch về giá của hàng cùng loại. Chẳng hạn, với mặt hàng đường Thành Công tại các điểm bán bình ổn có giá bán là 21.500 đồng/kg, trong khi đó tại siêu thị BigC giá đường Thành Công chỉ có 18.000 đồng/kg, chênh lệch tới hơn 3.500 đồng/kg, khiến quầy đường giá rẻ tại siêu thị này dù đã giới hạn 1 người chỉ được mua 1kg/ngày, nhưng luôn trong tình trạng trống trơn, nhân viên châm hàng không kịp người mua. Các mặt hàng khác như: trứng gia cầm, thịt gia cầm… cũng thấp hơn hàng bình ổn.
Theo chị Thúy, nhiều mặt hàng thực phẩm có sự chênh lệch lớn về giá, chẳng hạn các loại rau, củ, quả… của siêu thị Co.opMart Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh) mặc dù treo biển bán thấp hơn giá đăng ký, chẳng hạn cà chua đăng ký 10.000 đồng/kg bán 7.500 đồng/kg, cải bắp 9.000đồng/kg bán 4.700 đồng/kg…, tuy nhiên cùng là những mặt hàng này, siêu thị BigC lại có giá thấp hơn hẳn (cà chua 6.900 đồng/kg, bắp cải 2.900 đồng/kg…). Nhiều nhóm hàng khác cũng có sự chênh lệch tương tự.
Tại cuộc họp với Sở Công thương gần đây, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc công ty TNHH Ba Huân cho rằng, việc so sánh giá cùng một mặt hàng được bán bình ổn với giá thị trường không phản ánh đúng. Chẳng hạn với mặt hàng trứng gia cầm của công ty Ba Huân hay công ty Vĩnh Thành Đạt không thể đem so sánh giá trứng bán ngoài chợ, vì trứng của các doanh nghiệp phải qua các khâu phân loại, chọn lựa, xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các thiết bị đắt tiền… khiến chi phí, giá thành cao… Tuy nhiên không thấy bất cứ doanh nghiệp nào đưa ra so sánh với sản phẩm của các doanh nghiệp ngoài chương trình, các doanh nghiệp tại các tỉnh thành bán sản phẩm cùng loại tại thị trường TP HCM.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com