Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai chính sách và kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu giấy của Công ty CP Giấy Sài Gòn-Bình Định (CTCPGSGBĐ). Đây là dự án có vốn đầu tư lớn, khi thực hiện sẽ góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia trồng rừng…
* Nhà máy bột giấy và vùng nguyên liệuRừng sản xuất trồng tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bột giấy Sài Gòn-Bình Định do CTCPGSGBĐ thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 140 ngàn tấn bột giấy/năm; giai đoạn 2 nâng công suất lên gấp đôi với 280 ngàn tấn/năm và tiến hành đầu tư thêm dây chuyền sản xuất giấy in, giấy viết công suất 140 ngàn tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 8.800 tỉ đồng, bao gồm vốn đầu tư xây dựng nhà máy và phát triển vùng nguyên liệu.
Dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy bột giấy tại thôn Quang Nghiễm, xã Mỹ Châu (Phù Mỹ) với diện tích khoảng 100 ha. Sản phẩm của nhà máy là bột giấy thương phẩm theo công nghệ hóa nhiệt cơ của Mỹ - Áo, dùng sản xuất giấy in, giấy viết, giấy vệ sinh… Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất bột giấy chủ yếu là các loại cây như: bạch đàn, keo lai, keo lá tràm. Theo tính toán, với công suất của nhà máy, nhu cầu nguyên liệu hàng năm phải đảm bảo trên 330 ngàn tấn. Với năng suất rừng trồng định hình khai thác bình quân đạt 100 tấn/ha, diện tích rừng tối thiểu khai thác đảm bảo cung cấp cho nhà máy hoạt động khoảng 3.500 ha.
Để đảm bảo nhu cầu cung cấp gỗ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, mục tiêu của CTCPGSGBĐ sẽ xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng 42.000 ha trên địa bàn tỉnh trong các năm từ 2010-2016. Trong đó, đất do công ty thuê trồng mới 17.000 ha, bình quân mỗi năm trồng 2.125 ha; liên doanh, liên kết với các đơn vị, tổ chức, cá nhân… trồng 25.000 ha, bình quân mỗi năm khai thác và trồng lại 3.125 ha. Trong năm 2010, sẽ tiến hành trồng 2.226 ha trên địa bàn huyện Hoài Ân; năm 2011 trồng 3.375 ha trên địa bàn các huyện An Lão, Phù Cát, Tây Sơn. Những năm tiếp theo, trong khi xây dựng nhà máy công ty sẽ tiếp tục trồng rừng trên tất cả quỹ đất trống còn lại.
* Chính sách khuyến khích phát triển
Để thu hút các tổ chức, cá nhân, DN, hộ gia đình… tham gia phát triển rừng nguyên liệu giấy, CTCPGSGBĐ đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Ông Lý Thanh Bình, Phó Giám đốc CTCPGSGBĐ, cho biết: Về chính sách lao động, công ty sẽ ưu tiên sử dụng lực lượng lao động sẵn có ở địa phương trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, phát triển trồng rừng. Công ty sẽ tổ chức các dịch vụ hỗ trợ cho người sản xuất, như mở các lớp tập huấn kỹ thuật lâm sinh, đào tạo nghề kinh doanh rừng trồng; tư vấn kiến thức chọn giống cây lâm nghiệp tốt; đưa đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh doanh rừng trồng hiệu quả ở các địa phương khác… nhằm giúp người dân có thể nắm vững kỹ thuật kinh doanh rừng trồng có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các DN, công ty lâm nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… có đất trồng rừng nguyên liệu giấy và tự nguyện đề nghị trở thành cổ đông thành viên của công ty được tham gia mua cổ phần, bằng hình thức góp vốn chính mảnh đất trồng rừng của mình. Nếu trên đất góp cổ phần đã có rừng nguyên liệu giấy, 2 bên sẽ tiến hành xác nhận giá trị để làm cơ sở thanh toán, hoặc cộng vào vốn góp cổ phần tại thời điểm giao nhận đất. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình… không đủ vốn trồng rừng sẽ được đầu tư vốn sản xuất theo hình thức cho ứng trước, đến khi khai thác rừng hoàn vốn lại cho công ty.
Đối với diện tích đất thuê, đơn vị sẽ hợp đồng với các nhà thầu có tư cách pháp nhân, có kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực trồng rừng để phối hợp thực hiện. Trong đó, sẽ ưu tiên cho các nhà thầu tại địa phương và sử dụng lao động trồng, quản lý, bảo vệ rừng tại chỗ. Đây là biện pháp nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và tăng hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng trồng. Ngoài ra, CTCPGSGBĐ sẽ tổ chức liên doanh, liên kết với các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ… phát triển rừng nguyên liệu giấy và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch.
Theo rà soát, điều chỉnh phân cấp phòng hộ và quy hoạch 3 loại rừng vừa được UBND tỉnh phê duyệt, diện tích rừng trồng sản xuất toàn tỉnh hiện có 98.693 ha và đất chưa có rừng (thuộc quy hoạch rừng sản xuất) 32.455ha. Như vậy, với khối lượng nguyên liệu khai thác từ diện tích rừng trồng có khả năng đủ cung cấp cho nhà máy bột giấy hoạt động. Đó là chưa tính đến nguồn gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng phòng hộ với mức quy định 20%/chu kỳ. Đồng thời, với diện tích đất thuê trồng rừng và đất trồng rừng liên doanh, liên kết với các DN sẽ đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho rằng, việc phát triển vùng nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy bột giấy Sài Gòn-Bình Định nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển hoạt động trồng rừng ở địa phương. Để vùng nguyên liệu nhanh chóng hình thành, CTCPGSGBĐ cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu, có chính sách phù hợp trong phát triển trồng rừng, giúp người trồng rừng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, lưu ý các ngành chức năng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình... phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để công ty triển khai dự án trong thời gian tới.
(Theo bao binh dinh)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com