![]() |
Kẹt xe trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM - Ảnh: Lê Toàn |
Phát biểu tại buổi họp triển khai các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM sáng 28-12, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ nguồn thu ngân sách để lại để thành phố có thêm vốn xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình ùn tắc giao thông, ông Phượng cho rằng trước tốc độ tăng số lượng xe cá nhân quá nhanh, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật của thành phố hiện đang rất cấp bách, trong khi đó, tỷ lệ ngân sách dành cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông lại rất hạn hẹp. Ông Phượng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được hưởng toàn bộ số thu vượt mức kế hoạch được giao (kể cả thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu), đồng thời được bổ sung từ nguồn ngân sách trung ương để thành phố có thêm vốn cho đầu tư phát triển. Theo tính toán của thành phố hồi năm 2007, thành phố cần khoảng 26 tỉ đô la Mỹ để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống đường sá, phương tiện giao thông công cộng, kéo giảm ùn tắc giao thông, nhưng đến nay khi bắt tay thực hiện thì con số này vượt lên đến 40 tỉ đô la Mỹ do giá cả tăng cao, ông Phượng nói. Ngoài ra, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng của các dự án hạ tầng giao thông tại TPHCM cũng khá lớn so với các địa phương khác. Ví dụ: năm 2009, thành phố chi 12 ngàn tỉ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông, trong đó, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm hết khoảng 8 ngàn tỉ đồng. Về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, ông Phượng cho biết từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 69 vụ ùn tắc giao thông lớn, kéo dài trên 30 phút, tăng 25 vụ so với năm 2008. Hiện tại, tổng số lượng phương tiện giao thông do thành phố quản lý là trên gần 4,5 triệu chiếc, trong đó, có khoảng 404 ngàn xe ô tô và trên 4 triệu xe gắn máy 2 bánh. Mỗi ngày, trong bình thành phố tăng thêm 115 xe ô tô và 1.150 xe mô tô 2 bánh. Ông Phượng phân tích, với tốc độ tăng phương tiện cá nhân khoảng 15%/năm, trong khi diện tích mặt đường tăng không đáng kể thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ càng phức tạp trong vài năm tới nếu không sớm triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trước những kiến nghị về ngân sách dành cho phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, sắp tới Chính phủ sẽ cùng thành phố và các bộ ngành liên quan cùng ngồi lại tính toán cân đối, nhưng hướng ưu tiên tối đa vẫn là khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có năng lực tài chính tham gia xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Phó thủ tướng yêu cầu thành phố cần cải tiến thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án hạ tầng giao thông vì đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ của hầu hết các dự án giao thông quan trọng tại thành phố. Ngoài ra, thành phố cần nhanh chóng triển khai các dự án bãi đậu xe ngầm trên địa bàn thành phố, quản lý chặt hơn tình hình kinh doanh xe taxi tràn lan, cần hạn chế số lượng xe taxi sao cho phù hợp để tăng chất lượng phục vụ cũng như giúp giảm ùn tắc giao thông. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng trong thời gian tới, thành phố nên đề xuất những giải pháp hạn chế phưong tiện giao thông cá nhân, nhắm đến chuyển một phần sang sử dụng xe ô tô, một phần chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
(Theo Văn Nam // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com