![]() |
Các kỹ sư Portcoast đang khảo sát trên kênh Quan Chánh Bố. |
Ngày 27-12-2009, tại tỉnh Trà Vinh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức khởi công xây dựng luồng đón tàu biển lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là một sự kiện lớn trong hoạt động hàng hải, xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng "đất chín rồng" này.
"Làm khó" cho TP Hồ Chí Minh
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất khoảng 70% hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, ước khoảng 15 triệu tấn/năm. Thế nhưng, cảng biển ở đây lại nhỏ, luồng lạch cạn, thường xuyên bị sa bồi, tàu lớn không thể ra, vào. Vì thế, có đến 80% lượng hàng hóa của ĐBSCL phải đưa lên TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu ở các cảng biển của TP Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này không những làm tốn thời gian vận chuyển hàng hóa mà quan trọng hơn còn làm gia tăng chi phí vận chuyển lên tới khoảng 8 USD - 10 USD/tấn hàng rời và 200 USD/container, ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa ĐBSCL. Thế nhưng, vẫn chưa hết, hàng hóa ĐBSCL khi vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh còn tạo thêm áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông vốn đã quá tải của TP đông dân bậc nhất này.
Vậy nên, yêu cầu xây dựng một luồng có thể đón tàu biển lớn trở nên bức thiết hơn bao giờ hết đối với ĐBSCL. Cách đây gần 20 năm, Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành nghiên cứu xây dựng luồng tàu biển có thể đón tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải cho ĐBSCL. Đã có nhiều tư vấn trong và ngoài nước được mời tham gia nghiên cứu. Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học. Có 3 giải pháp được đưa ra, đó là tiếp tục nạo vét luồng tàu biển Định An hiện hữu; tận dụng kênh Quan Chánh Bố hiện có ở tỉnh Trà Vinh và từ đó đào thêm một kênh (tạm gọi là kênh Tắt) nối ra đến biển để làm một luồng tàu biển thông từ sông Hậu ra kênh Quan Chánh Bố, qua kênh Tắt đến biển; nạo vét cửa Trần Đề, làm một luồng tàu biển mới hoàn toàn.
Tuy nhiên, giải pháp nạo vét luồng Định An và Trần Đề không khả thi vì cửa biển Định An và Trần Đề có tốc độ bồi lắng lớn, chế độ thủy văn lại phức tạp. Nhiều hoa tiêu cửa Định An cho biết: "Vào mùa gió chướng, sóng rất mạnh. Nhiều khi tàu hoa tiêu đến sát tàu chở hàng rồi mà các hoa tiêu không thể nào lên tàu hàng được". Còn Tiến sĩ Trương Ngọc Tường, Kỹ sư trưởng của Công ty Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), tư vấn lập dự án xây dựng luồng tàu biển mới cho tàu lớn vào ĐBSCL cho rằng, nếu cứ phải nạo vét liên tục thì việc mở luồng tàu biển qua đây sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.
Triển khai dự án: Nhanh và chắc
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Lưu Phước Lượng, trong một cuộc hội thảo về xây dựng luồng tàu biển mới cho ĐBSCL đã từng phát biểu: "Hằng ngày phải nhìn hàng đoàn xe container, xe tải chở hàng hóa lên xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh mới hiểu hết nỗi lòng mong muốn có một luồng tàu biển mới, cơ hội đón tàu lớn của người dân ĐBSCL như thế nào". Ông Lưu Phước Lượng cũng đã sốt ruột "thúc" Bộ GTVT: "Đừng bàn nữa, hãy làm đi"!
Không phụ lòng người miền Tây, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Liên doanh tư vấn Portcoast (Việt Nam) và Nippon Koei (Nhật Bản) cùng tư vấn phụ là Viện Nghiên cứu thủy lực Đan Mạch (DHI) nhanh chóng triển khai nghiên cứu lập đề án. Nhiều đoàn chuyên gia của liên doanh tư vấn đã tiến hành khảo sát thực địa. Theo Portcoast, yêu cầu sớm có một luồng tàu biển lớn của người dân ĐBSCL là chính đáng và với tư cách là tư vấn lập dự án, Portcoast sẽ cùng các tư vấn khác nhanh chóng triển khai dự án. Tuy nhiên, Portcoast cũng cho rằng cần phải hết sức cẩn trọng vì đây là một dự án lớn, trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng nên không được phép chủ quan. Hiện đội ngũ kỹ sư, cán bộ khoa học của tư vấn đã thu thập đầy đủ các thông tin về chế độ thủy văn, sức gió, sức nước… nhằm tìm ra giải pháp làm luồng tàu biển hiệu quả nhất, an toàn nhất và bền vững nhất, hạn chế đến mức tối đa những tác động xấu đến môi trường của ĐBSCL…
Bên cạnh sự nỗ lực của Bộ GTVT và các tư vấn, chính quyền tỉnh Trà Vinh, nơi dự án đi qua đã nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, công việc khó khăn này đã cơ bản hoàn thành. Hiểu được ý nghĩa của dự án, nhiều người dân đã vui vẻ di dời, trao mặt bằng cho Nhà nước. Người dân Trà Vinh nói riêng và người dân ĐBSCL đang nóng lòng chờđón một luồng tàu biển mới, mở ra triển vọng cho kinh tế ở miền đất này cất cánh.
(Theo Hải Yến/HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com