Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đắc Nông: Cô gái xinh đẹp chờ “đánh thức”

Nằm ở phía Nam của Tây Nguyên, là cửa ngõ nối liền vùng đất cao nguyên với TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, ngoài tiềm năng lớn, Đắc Nông còn có vị trí rất thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Ấn tượng tăng trưởng

Với nhiều nguồn lực sẵn có phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) nên ngay năm đầu tiên thành lập tỉnh (năm 2004), Đắc Nông đã cùng TPHCM ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH. Đến nay, với sự hỗ trợ của TPHCM, miền đất sử thi M’Nông đã “thay da đổi thịt” đáng kể ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, phát triển kinh tế mới… Các doanh nghiệp (DN) ở TPHCM cũng nhìn thấy nhiều cơ hội làm ăn ở Đắc Nông. Giai đoạn 2004-2009, TPHCM đã có 31 dự án đầu tư vào Đắc Nông với tổng vốn lên gần 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN ở TPHCM cũng đã ký với Đắc Nông 6 biên bản ghi nhớ đầu tư vào các mảng giáo dục, thương mại, dịch vụ, chế biến nông sản…

Khoai lang là nông sản có tiềm năng lớn tiêu biểu của Đắc Nông. Ảnh: Thu hoạch khoai lang ở xã Đắc Buk So (Tuy Đức). Ảnh: C.T.V.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắc Nông Đỗ Thế Nhữ cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh những năm 2006-2008 đạt 15,4%; năm 2009 này dù bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng cũng đạt khoảng 14,6%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 800 USD/năm. Với đà đó, dự kiến đến năm 2015 quy mô kinh tế của tỉnh sẽ lớn gấp 2,5 lần so với hiện nay và gấp gần 5 lần vào năm 2020.

Nhìn thấy được tiềm năng phát triển to lớn về lâu dài của Đắc Nông, nhiều nhà đầu tư đã hăm hở đến vùng đất này. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây do UBND tỉnh tổ chức tại TPHCM, có 13 nhà đầu tư đã ký cam kết đầu tư vào Đắc Nông với tổng vốn đăng ký hơn 2.240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án và 1 chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.668 tỷ đồng. Trong đó có những dự án hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi tích cực lớn đối với Đắc Nông như Bệnh viện Đa khoa Nam Tây Nguyên, Siêu thị Co.op Mart Đắc Nông, Khu du lịch văn hóa thể thao Hồ Trúc…

Tiềm năng còn lớn

Những hứa hẹn trên thật sự là niềm vui lớn đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắc Nông. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn còn nhỏ bé so với tiềm năng và kỳ vọng của người dân miền đất này. Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Đắc Nông Nguyễn Thanh Sơn, tỉnh đã hình thành những vùng nguyên liệu tập trung cho ngành công nghiệp chế biến nông-lâm sản với tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm là 120.000ha, trong đó có 75.000ha cà phê, 17.000 ha cao su, 21.000ha điều, 7.000ha hồ tiêu. Đặc biệt, Đắc Nông có thế mạnh về khoáng sản, nổi bật là bauxite với trữ lượng khoảng 3,4 tỷ tấn (chiếm hơn 64% tổng trữ lượng bauxite của cả nước).

Hơn nữa, Đắc Nông còn có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và văn hóa. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp hoang sơ như thác nước Liêng Nung, Đắc G’Lung…; những di tích lịch sử như bia Henri Maitre (Chứng tích phản ánh tội ác và sự thất bại của chủ nghĩa thực dân trong việc mở rộng bộ máy cai trị vào cao nguyên M’Nông năm 1914); căn cứ nghĩa quân N’Trang Lơng… Đặc biệt, những di sản văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa như sử thi, lễ hội cồng chiêng… là những nét độc đáo của Đắc Nông.

Không những vậy, Đắc Nông là tỉnh nằm trong vùng tam giác phát triển (Tây Nguyên-Nam Lào-Đông Bắc Campuchia), có 2 cửa khẩu quốc gia là Đắc Per (huyện Đắc Mil) và Bu Prăng (huyện Tuy Đức) nên rất thuận lợi để phát triển thương mại-du lịch. Và một khi Bu Prăng được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế thì Đắc Nông sẽ hấp dẫn hơn gấp bội với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khu vực Đông Nam tỉnh (hai huyện Tuy Đức và Đắc R’Lấp) có nhiều tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến và khoáng sản. Nơi đây có hơn 50.000ha cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu và điều; là nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao. Còn Cụm công nghiệp Nhân Cơ sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa cả tỉnh. Riêng huyện Tuy Đức có sản phẩm khoai lang Đắc Buk So đã rất nổi tiếng trong và ngoài nước, đang rất cần được xây dựng thương hiệu, để nâng cao giá trị hơn nữa, trở thành nông sản tiêu biểu của Đắc Nông và xuất khẩu bền vững hơn.

Là một trong nhiều nhà đầu tư đang triển khai đầu tư ở tỉnh, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thị Tranh ví von: “Đắc Nông như một cô gái xinh đẹp đang chờ chúng ta đến đánh thức. Nhìn dài hạn, ngoài công nghiệp chế biến thì các ngành dịch vụ có nhiều cơ hội bùng nổ ở đây”.

Ngày 17-12 vừa qua, tại TPHCM, UBND tỉnh Đắc Nông đã giới thiệu 40 dự án cần các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tổng nhu cầu vốn trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó có 14 dự án công nghiệp (3.100 tỷ đồng), 7 dự án hạ tầng đô thị (3.200 tỷ đồng), 5 dự án du lịch (2.600 tỷ đồng)… Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và dành rất nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư với chính sách ưu đãi tối đa theo hiện hành. Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch về vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí đền bù giải tỏa, chi phí đào tạo nhân lực (50%-100%)…

(Theo HOÀNG LIÊM - MẠNH HOÀI // SGGP Online)

  • Mô hình kinh tế nuôi dế mới ở Đà Bắc
  • Đưa Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế, giáo dục
  • Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng thủy sản xuất khẩu đã có mặt ở hơn 30 nước trên thế giới
  • Chắp cánh cho ĐBSCL vươn ra biển lớn
  • Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên: Những câu chuyện buồn
  • Năm 2009 diện tích rừng Gia Lai giảm 2.555 ha
  • Năm 2009, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá
  • Kinh tế Gia Lai năm 2010: Triển vọng và thách thức
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi