Sau hơn 2 năm vận dụng sáng tạo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 5.070 hộ của Lai Châu đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh miền núi phía Bắc này giảm từ 33,7% xuống còn 26,55%.
Lai Châu cũng đã giải quyết việc làm cho 4.500 lao động, dạy nghề cho 9.962 lao động nông thôn. Đây là những kết quả bước đầu trong công cuộc xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh.
![]() |
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ, một trong những xã nghèo nhất tỉnh Lai Châu. Hỗ trợ các học sinh nghèo là một nội dung trong chương trình thực hiện Nghị quyết 30a của tỉnh - Ảnh: HNM |
Nhìn từ huyện nghèo nhất
Đề án về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a là một đề án mang tính tổng hợp, đột phá, với thời gian thực hiện dài 12 năm (từ 2008 – 2020).
Với 5 trong số 7 huyện, thị thuộc diện triển khai Nghị quyết 30a, Lai Châu là một trong những tỉnh có tỷ lệ huyện nghèo cao nhất cả nước. Tỷ lệ đói nghèo toàn tỉnh năm 2008 là 33,7% với 22.800 hộ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh, ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã xác định “không chỉ cấp cá cho người nghèo mà phải cấp cần câu và dạy họ cách câu cá”.
Trong 5 huyện nghèo là Mường Tè, Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ và Sìn Hồ thì Mường Tè là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, tới 52,4% trong năm 2008. Trước đây, bà con nhiều đồng bào dân tộc Cống, Mảng, Si La, La Hủ, Khơ Mú sống du canh, du cư, phong tục tập quán lạc hậu với củ mài, rau rừng, không mắm, không muối, không giao lưu, không trao đổi, không biết chữ, không kết hôn với các dân tộc khác khiến dân số giảm dần.
Năm 2009, từ nguồn vốn của Nghị quyết 30a, huyện được phân bổ 25 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng, giao đất và giao rừng sản xuất…
Nhờ các lớp tập huấn về khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ phân bón phục vụ sản xuất, giờ đây bà con đã bỏ phong tục tập quán lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi với các cây, con giống mới theo mô hình trang trại. Vì thế, tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm xuống còn 41,35% trong năm 2009.
Sinh lực mới mà Nghị quyết 30a mang lại còn có thể nhận ra qua sức vươn mạnh mẽ của xã Tủa Sín Chải huyện Sìn Hồ. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động đã giúp cho người dân nhận thức được lợi thế từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, của Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền xã còn phân công cán bộ đến tận hộ gia đình hướng dẫn bà con cách gieo trồng, đưa giống lúa, ngô mới vào thâm canh tăng vụ. Với 3.211,4ha rừng, bà con Tủa Sín Chải đã phát triển kinh tế bằng việc thường xuyên phát dọn thực bì, chống cháy rừng vào mùa khô hanh, trồng rừng trên những đồi núi trọc…
Đến nay, đã có thêm khoảng 40 hộ trong số 624 hộ của xã thoát nghèo, nhiều gia đình được sử dụng điện lưới, 100% trẻ em đúng độ tuổi được tới trường.
Theo ông Vương Văn Thành, những kết quả đạt được sau 2 năm triển khai Nghị quyết là nhờ có sự tham gia đóng góp của các cấp, các ngành, nhờ việc khuyến khích các hộ nghèo không ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Gần 2 năm sau khi Nghị quyết 30a có hiệu lực
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu - Ảnh: Chinhphu.vn |
Xác định Nghị quyết 30a là cơ hội để các huyện nghèo phát triển, ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện, giao nhiệm vụ cụ thể cho 5 ngành của tỉnh trực tiếp giúp các huyện xây dựng Đề án.
Sau nhiều chính sách UBND tỉnh ban hành, cụ thể hoá các chính sách của Trung ương, 5 huyện nghèo đã xây dựng được chương trình dự án với tổng nhu cầu vốn là 19.289,982 tỷ đồng.
Theo đúng tinh thần Nghị quyết, cùng với việc tổ chức lồng ghép thực hiện với các chính sách đã có của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo như Quyết định 167/2008/QĐ- TTg về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chương trình hỗ trợ gạo cho 5 dân tộc đặc biệt khó khăn 10kg gạo/người/tháng, Dự án phát triển dân tộc Si La…, tỉnh cũng đã huy động hiệu quả sự đóng góp của cộng đồng, của các doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo.
UBND tỉnh đã kêu gọi và lồng ghép nguồn vốn 1,79 tỷ đồng trong năm 2009 của Quỹ vì người nghèo của tỉnh, huyện; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp ký cam kết với UBND tỉnh, hỗ trợ, tài trợ cho 5 huyện nghèo xóa nhà tạm, xây dựng nhà bán trú dân nuôi, đào tạo, phát triển nghề, hỗ trợ giáo dục, y tế giai đoạn 2009-2011 với tổng nguồn vốn lên tới 76,772 tỷ đồng.
Đặc biệt, kết hợp với việc triển khai thực hiện Quyết định 167, trong năm 2009, đã có 4.959 hộ nghèo được phê duyệt hỗ trợ nhà ở.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, tỉnh Lai Châu đã xây dựng được 154 công trình trên địa bàn 5 huyện, cấp gạo cho công tác khoán chăm sóc bảo vệ rừng trong thời gian người dân chưa tự túc được lương thực với kinh phí trên 21 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được 3.232 căn nhà cho người nghèo. Toàn tỉnh đã có 5.070 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% năm 2008 xuống còn 26,55% năm 2009, giải quyết việc làm cho 4.500 lao động, dạy nghề cho 9.962 lao động nông thôn.
Theo ông Vương Văn Thành, cần đưa sự hỗ trợ của Nhà nước thành điều kiện thuận lợi giúp các hộ nghèo tạo được việc làm, được tiếp cận tốt hơn về y tế, giáo dục, qua đó, giúp họ tự vươn lên thoát nghèo phải là hướng đi chủ đạo của chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
(Theo Đăng Khoa // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com