Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa IV, UBND tỉnh báo cáo: Trong 7 tháng đầu năm, tỉnh BR-VT thu hút 6,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 12,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Toàn tỉnh hiện có 248 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 25 tỷ USD và 331 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 127,5 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn này đã góp phần hình thành cơ cấu kinh tế mới của tỉnh, theo đó các ngành công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng tuyệt đối (96,54%); riêng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 40,18% trong GDP; và tỉnh BR-VT có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng của cả nước. Tại thời điểm tháng 7.2009, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 2.444 USD (không tính dầu thô và khí đốt).
Nhiều tỉnh khác nằm mơ cũng không được như BR-VT. Không có vị trí thuận lợi, không giàu tiềm năng kinh tế biển…, nên họ không thu hút được nhiều vốn đầu tư.
Nhưng ở chiều ngược lại, BR-VT đang phải chịu sức ép lớn của chính đà tăng trưởng về đầu tư. Nhiều năm trước, người BR-VT luôn hoan hỉ khi thấy tên BR-VT nằm ở hàng “top” bảng xếp hạng thu hút đầu tư; còn bây giờ vui vẫn vui, nhưng chúng ta đã nhận thấy rõ sự căng thẳng do sức nặng của dòng vốn đầu tư đang đổ vào. Đà tăng trưởng nhanh và nóng đã sinh ra những hệ quả không dễ chịu.
Đầu tiên là căng thẳng về đất đai. Theo số liệu của UBND tỉnh, có 29 dự án đầu tư nước ngoài và 38 dự án đầu tư trong nước đang chờ được cấp đất sạch. Để có đất sạch giao cho nhà đầu tư, tỉnh phải bỏ ra khoản tiền giải phóng mặt bằng khoảng 6.500 tỷ đồng, nhưng theo lời ông Hà Văn Rao, Giám đốc Sở Tài chính, thì gánh nặng này ngân sách tỉnh không kham nổi.
2.500ha hay 10.000ha đất giao cho nhà đầu tư không phải là diện tích quá lớn; nhưng cái lớn phía sau đó là vấn đề đời sống của hàng nghìn hộ dân có đất bị thu hồi. Chính sách bồi thường khi giải tỏa đất liên tục thay đổi khiến quyền lợi của người có đất bị thu hồi không được giải quyết thống nhất, dẫn tới chỗ người dân không hợp tác, kéo theo những khiếu kiện phức tạp. Có đất cho dự án đã khó, tìm đất để bố trí tái định cư cũng không dễ. Dự báo tới năm 2010, toàn tỉnh còn thiếu 3. 233 suất đất tái định cư, chủ yếu là ở Vũng Tàu (2.654 suất), Xuyên Mộc (303 suất), Long Điền (133 suất). Người dân bị thu hồi đất là bị tách khỏi môi trường sống quen thuộc, như cá ra khỏi nước, không dễ chuyển sang làm nghề gì khác để sinh sống. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Tỉnh ủy (tháng 9-2008), ông Bí thư Huyện ủy Tân Thành cho biết những con số điều tra về đời sống của người dân trên địa bàn huyện sau khi đất bị thu hồi. Theo đó, 49,9% không có việc làm, 50,2% có thu nhập kém hơn trước, 18,4% không có nhà, phải ở nhờ ở tạm… Những vấn đề xã hội của “hậu đầu tư” là khá nóng.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân vốn để thực hiện dự án rất thấp; nhóm đầu tư nước ngoài được 370 triệu USD, bằng 38,5% kế hoạch, còn nhóm đầu tư trong nước được 3.205 tỷ đồng (42,7%). Nguyên nhân không phải do khủng hoảng và suy giảm kinh tế mà là do không có mặt bằng. Giải phóng mặt bằng đang là bài toán khó về đầu tư.
Ngoài ra, còn những mất cân đối khác như thiếu điện, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải… Ví dụ về điện, mặc dù là nơi cung cấp 40% sản lượng cho lưới điện quốc gia, nhưng BR-VT vẫn không có đủ điện sản xuất, vẫn bị cắt điện luân phiên, vẫn bị Bộ Công thương từ chối cấp thêm chỉ tiêu tiêu thụ điện và có những dự án lớn như dự án du lịch Hồ Tràm đã phải tự đầu tư nguồn điện…v.v…
BR-VT như một khu công nghiệp, quỹ đất không đẻ ra thêm, cho nên sớm muộn gì cũng được lấp đầy; vậy lúc này có nên tiếp tục thu hút đầu tư nữa không?
Ngày 20-7-2009, UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp bàn về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn về đầu tư để chọn lọc những dự án đầu tư phù hợp. Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết việc làm này không nhằm gây khó cho nhà đầu tư, BR-VT không làm “chảnh”, nhưng trong tình hình này cần phải biết dành những dự án khôn ngoan cho tương lai.
(Theo Hải Thanh // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com