Tình trạng đói giáp hạt hằng năm diễn ra ở nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi, tỉnh đông dân... Thanh Hóa là tỉnh đông dân, tỷ lệ dân số ở nông thôn và lao động trong nông nghiệp cao, còn nhiều vùng sản xuất thuần nông, lại có đến 11 huyện miền núi và 38 xã bãi ngang ven biển điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn.
Ðây là những khu vực thường xảy ra tình trạng đói, thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt. Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo ngành lao động - thương binh và xã hội và các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm tình hình đời sống nhân dân để tham mưu cho UBND tỉnh phương án cứu trợ kịp thời, không để nhân dân thiếu đói.
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng thiếu đói năm nay là do: ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài, một số cây trồng hết thời vụ nên sản xuất vụ đông 2010 - 2011 đạt thấp so với kế hoạch, sản lượng lương thực chỉ đạt 82,8% kế hoạch, giảm 9,7% so với cùng kỳ; rét đậm rét hại kéo dài làm cho nhiều diện tích lúa vụ chiêm xuân gieo cấy sớm bị chết, buộc phải cấy lại, cùng với hạn hán xảy ra đúng vào thời kỳ cây lúa sinh trưởng mạnh, đã ảnh hưởng đến lịch mùa vụ, làm cho kỳ giáp hạt năm nay dài hơn so với năm trước. Ngoài ra, một số địa phương thuộc vùng bãi ngang, ven biển bị nước mặn xâm thực, gây mất trắng một phần diện tích hoặc làm giảm năng suất nhiều loại hoa màu.
Ðể giải quyết vấn đề thiếu đói cho nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1471/UBND-QÐ ngày 11-5-2011 phê duyệt Phương án hỗ trợ 2.049 tấn gạo cho các hộ thiếu đói. Cùng với việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động các tổ chức, cá nhân, huy động nguồn lực tại chỗ, trích nguồn kinh phí bảo đảm xã hội đã được phân bổ năm 2011 để mua gạo trợ cấp kịp thời, không để bất cứ người dân nào bị đói. Việc cứu trợ được thực hiện theo phương châm: 'Gạo cứu đói đến tận tay người bị đói' và theo nguyên tắc: Công khai, dân chủ, minh bạch từ cơ sở; bảo đảm các tiêu chí: Sử dụng gạo cứu đói đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng định lượng, kịp thời gian, không chia bình quân. Cách thức hỗ trợ là gạo cứu đói phải do UBND xã tổ chức cấp trực tiếp cho các đối tượng (không giao hoặc khoán trắng cho trưởng thôn, bản, khối phố). Với cách làm này, chúng tôi tin rằng: trong một thời gian ngắn nữa số gạo nói trên sẽ đến tận tay các hộ thiếu đói, đúng đối tượng, kịp thời hỗ trợ người dân trong kỳ giáp hạt.
Việc cấp gạo cứu đói giáp hạt là chủ trương đúng đắn nhưng phải xác định đây là biện pháp có tính trước mắt. Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm tình trạng đói giáp hạt, tỉnh Thanh Hóa chủ trương tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng, thực hiện giảm nghèo bền vững.
Trong giải quyết vấn đề đói nghèo, UBND tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm khu vực miền núi và các xã vùng bãi ngang ven biển.
Ðối với khu vực miền núi: tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền tây Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2015; coi trọng việc chỉ đạo duy trì sản xuất lương thực ở các vùng có điều kiện, nhất là mở rộng diện tích trồng lúa nước; đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, trồng cao-su ở nơi có điều kiện; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc; xây dựng, nhân rộng mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp; tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hồ đập để cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho nhân dân; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là khâu giống; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng; nghiên cứu xác định cơ cấu cây trồng phù hợp đối với từng vùng. Ðối với huyện Mường Lát, thành lập tổ công tác do một đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng thường trực tại huyện để chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ huyện phát triển kinh tế.
Ðối với vùng ven biển: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biển; khai thác tối đa tiềm năng lợi thế vùng ven biển để phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; tập trung giải quyết vấn đề nước tưới và nước sinh hoạt cho nhân dân. Trước mắt, triển khai vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi mới được đầu tư như: Hệ thống cấp nước tưới và sinh hoạt cho các xã vùng Ðông kênh De, huyện Hậu Lộc; Trạm bơm Cống Phủ tạo nguồn nước cho các trạm bơm: Xa Loan, Nga Thiện, Nga Thắng, Ba Ðình, Nga Vịnh, Nga Phú và Hà Châu để phục vụ tưới cho 4.414 ha đất canh tác của huyện Nga Sơn và xã Hà Châu, huyện Hà Trung; cống Tứ Thôn bảo đảm cấp nước cho trạm bơm Xa Loan và các trạm bơm trên kênh Hưng Long để tưới cho 5.200 ha đất lúa của huyện Nga Sơn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào sử dụng công trình hệ thống tiêu kênh Than, huyện Tĩnh Gia; đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư các dự án hệ thống tiêu thoát sông Lạch Trường, sông Nhơm, sông Lý, sông Hoàng để triển khai thi công trong năm 2011 và 2012. Về lâu dài, đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn; hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Càn, huyện Nga Sơn; hệ thống cấp nước Tĩnh Gia; hệ thống tiêu Lưu - Phong - Châu, huyện Hoằng Hóa.
Trong việc đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, giải quyết thủy lợi và những vấn đề liên quan nêu trên đều vượt quá khả năng của tỉnh. Tỉnh Thanh Hóa rất mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, Trung ương để Thanh Hóa nhanh chóng thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
(Theo nhandan online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com