Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện trồng chanh dây ở Ðác Nông

Giá quả chanh dây tăng cao khiến nhiều tư thương về tận các vườn ở huyện Đác Glong để thu mua.  

Sau một thời gian dài rớt giá thê thảm, hiện nay, giá chanh dây ở Ðác Nông đã lên 7.000-8.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-6.000 đồng/kg so với cuối năm 2010. Giá tăng cao khiến hàng nghìn người trồng chanh dây trong tỉnh phải tiếc nuối vì không có sản phẩm để bán. 

Theo những hộ trồng chanh dây ở huyện Ðác R'lấp, Ðác Glong và thị xã Gia Nghĩa thì giá chanh dây tăng mạnh trở lại là do những tháng cuối năm 2010, giá chanh dây trên thị trường giảm mạnh. Có thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12-2010, giá chanh dây giảm chỉ còn 2.000 đến 3.000 đồng/kg khiến người trồng chanh dây bị lỗ nặng nên người dân không đầu tư chăm sóc vườn cây. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều vườn chanh dây bị chết do việc trồng chanh dây chủ yếu tự phát, nhiều người dân mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường... Hiện nay, phần lớn các vườn chanh dây trên địa bàn đều còi cọc, kém năng suất do không được đầu tư chăm sóc. Thậm chí, nhiều vườn cây còn bị bỏ hoang, chết dần, chết mòn. Trong khi đó, hơn một tháng qua nhu cầu mua chanh dây của các doanh nghiệp tăng mạnh đã đẩy giá chanh dây tăng trở lại.

Hiện nay, quả chanh dây được các đại lý, tư thương thu mua ngay tại vườn với giá 7.000-8.000 đồng/kg, còn nếu chọn lựa những quả lớn thì giá lên đến 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, nhiều người trồng chanh dây vẫn không có hàng để bán, trong khi các đại lý, cửa hàng thu mua thì tranh nhau gom hàng giao cho các doanh nghiệp chế biến nước giải khát. Ông Nguyễn Văn Hoán, ở xã Ðác Nia, thị xã Gia Nghĩa trồng được hai ha chanh dây tiếc nuối: 'Do những tháng cuối năm 2010, giá chanh dây rớt mạnh nên tôi không đầu tư chăm sóc vườn cây. Ai ngờ, bữa nay giá tăng mạnh trở lại thì không có hàng để bán'. Theo lời ông Hoán, thì vào thời điểm này năm trước, với diện tích hai ha chanh dây, cứ một tuần gia đình ông thu hoạch được ba tấn quả, bán được từ 15 đến 20 triệu đồng. Còn hiện nay, do không được đầu tư, vườn cây còi cọc, quả rất ít, lại bị sâu bệnh tấn công nên cả tuần chỉ thu hoạch được một vài tạ. Còn chị Hoàng Thị Thu, ở xã Nhân Cơ, huyện Ðác R'lấp cho biết: 'Những năm trước đây, sản phẩm chanh dây trên thị trường luôn có giá, có thời điểm lên đến 10.000 - 11.000 đồng/kg. Nhiều người dân ở địa phương chỉ sau một vài năm trồng chanh dây đã phất lên nhanh chóng, trở thành triệu phú, tỷ phú. Thấy vậy, đầu mùa mưa năm 2010, gia đình tôi vay ngân hàng gần 100 triệu đồng đầu tư mua giống, trụ, dây kẽm và thuê nhân công trồng được 1,5 ha chanh dây. Ðến tháng 9, khi vườn chanh dây vừa cho thu hoạch thì giá lại rớt thê thảm xuống 2.000 đồng/kg. Ðã thế, sản phẩm chanh dây thu hoạch về bán cũng khó khăn vì người thu mua cũng rất ít. Bị lỗ nặng, nên từ đó đến nay gia đình tôi chỉ đầu tư cầm chừng, chủ yếu là giữ vườn cây. Bất ngờ hơn một tháng nay, giá chanh dây đã tăng mạnh trở lại và hằng ngày có rất nhiều người đến hỏi mua thì mình không có sản phẩm để bán. Phải đến hai ba tháng nữa mới có thu hoạch, nhưng không biết lúc đó giá còn cao như hiện nay hay không?'. Không chỉ riêng anh Hoán, chị Thu mà nhiều người trồng chanh dây ở Ðác Nông cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Nông, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha chanh dây. Mặc dù cho đến nay, chanh dây vẫn là loại cây trồng khảo nghiệm và ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích vì dễ gặp rủi ro như dịch bệnh, rớt giá, nhưng vì lợi nhuận quá cao nên nhiều nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh dây. Bài học về việc sản xuất chạy theo phong trào dẫn đến tình trạng 'được mùa mất giá' vẫn bị người nông dân phớt lờ. Còn các cấp chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương thì 'bất lực' trước việc sản xuất tự phát của nông dân.

(Theo Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ/nhandan)

  • Giảm nghèo bền vững từ rừng
  • Quảng Ninh : Đưa xuống nước tàu chở hàng 53.000 tấn
  • Nhiều công trình lớn ở Lạng Sơn bị chậm tiến độ
  • Xử lý các vụ khai thác vàng sa khoáng ở Phú Yên
  • Mùa ép dầu xứ Quảng
  • Phát triển kinh tế trang trại ở đồng bằng sông Cửu Long
  • Hà Nội thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát: Một mục đích nhiều cách làm
  • Liên kết sản xuất, nhìn từ một xã ngoại thành Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi