Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trà Vinh - Điểm hẹn hấp dẫn các nhà đầu tư

Tại các cuộc Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra đầu tháng 5/2009 tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, UBND tỉnh Trà Vinh đã công bố 25 dự án mời gọi các nhà đầu tư, trong đó có 9 dự án phát triển cơ sở hạ tầng, 8 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và 12 dự án lĩnh vực nông nghiệp. Ngay sau khi nghe thông báo, hầu hết các nhà đầu tư thuộc các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đều đặt câu hỏi “Tại sao Trà Vinh là một tỉnh nhỏ mà cùng một lúc bung ra nhiều dự án đến thế? Điều kiện để thực hiện các dự án này ra sao? Triển vọng làm ăn lâu dài khi nhảy vào vùng đất nhỏ này lập nghiệp sẽ như thế nào? Cơ chế, chính sách có gì mới?...”     

Tiềm năng và lợi thế

Tất cả những vấn đề đó của cộng đồng doanh nghiệp ngoài tỉnh đã được giải đáp thông qua cuộc Hội thảo và chuyến đi tham quan, khảo sát thực tế hiện trường của các nhà đầu tư diễn ra trong ngày 30/5 vừa qua tại tỉnh Trà Vinh dưới sự chỉ đạo, chứng kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

Trước hết, về mặt địa lý tự nhiên và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện tại, Trà Vinh là tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích 2.292 km2 với dân số trên 1 triệu người, bao gồm 1 thị xã và 7 huyện, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và biển Đông, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển. Trà Vinh nằm trên tuyến vận tải hàng hải quốc tế qua cửa Định An, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ 130km. Năm 2009, Chính phủ đã đầu tư dự án kênh đào Quan Chánh Bố thông ra biển qua địa bàn huyện Duyên Hải để thông luồng cho tàu có tải trọng từ 20.000 tấn trở lên vào cảng Cái Cui - Cần Thơ (theo ngã sông Hậu), Trà Vinh sẽ có điều kiện tốt để xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế tại cửa biển Định An. Về đường bộ, toàn tỉnh có 3 quốc lộ chính là quốc lộ 53, 54 và 60 nối Trà Vinh với các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Sóc Trăng. Hiện tại, từ TP. Hồ Chí Minh đến Trà Vinh, nếu đi theo quốc lộ 1A và quốc lộ 53 hướng Vĩnh Long quãng đường này dài 200km nhưng nếu đi theo quốc lộ 1A và quốc lộ 60 hướng Bến Tre thì chỉ còn 130 km do cầu Rạch Miễu đã được đưa vào sử dụng cuối năm ngoái. Trên Quốc lộ 60 nối liền với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh đi Trung Lương, Chính phủ đã đầu tư xây dựng xong cầu Rạch Miễu và đang xây dựng cầu Hàm Luông. Từ năm 2010 xây dựng tiếp hai cầu Cổ Chiên, Đại Ngãi và mở rộng quốc lộ 60. Khi các công trình này hoàn thành sẽ là đường huyết mạch nối liền Trà Vinh với các tỉnh trong khu vực, với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ rất thuận lợi cho đầu tư, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu. Hiện tại, 100% xã phường, thị trấn trong Tỉnh đã được phủ kín lưới điện quốc gia, đang khởi công xây dựng đường dây và trạm 220 KV để đưa điện nguồn về tỉnh, chuẩn bị xây dựng Trung tâm điện lực tại huyện Duyên Hải với công suất 4.400 MW, đủ cung ứng điện theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định, lâu dài.

Là tỉnh ven biển, nằm giữa hai cửa sông lớn nhất trong vùng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa (bình quân 270C), ít bị ảnh hưởng của bão, lũ lớn, Trà Vinh cũng như các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế. Cụ thể, về nông nghiệp, Trà Vinh có diện tích gieo trồng trên 232.000 ha, trong đó: diện tích trồng lúa gần 228.000 ha, sản lượng bình quân trên 1 triệu tấn/năm, trong đó lúa cao sản 50.000 ha, sản lượng 360.000 tấn. Cây dừa có 14.000 ha, sản lượng trên 134 triệu trái/năm. Cây mía có 7.000 ha, sản lượng gần 700.000 tấn. Cây ngô (bắp) 5.300 ha, sản lượng đạt 29.000 tấn. Khoai mỳ (sắn) 1.300 ha, sản lượng hơn 17.700 tấn, khoai lang 1.780 ha, sản lượng 23.000 tấn, đậu phộng 4.100 ha, sản lượng 17.000 tấn. Cây ăn quả 19.000 ha, sản lượng 175.700 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Châu Thành với các loại trái cây giá trị kinh tế cao như xoài cát Châu Nghệ, dừa sáp Cầu Kè, măng cụt, sầu riêng Tân Qui, giống bưởi Năm Roi. Trong chăn nuôi, Trà Vinh nổi tiếng là có đàn bò thịt nhiều nhất trong vùng, bình quân hằng năm có trên 158.000 con, đàn heo 368.000 con, gia cầm trên 4 triệu con.

Về thủy - hải sản, Tỉnh có tổng diện tích nuôi hơn 42.000 ha, trong đó gần 26.500 ha nuôi tôm sú. Tổng sản lượng thủy, hải sản hằng năm bình quân đạt 150.000 tấn, trong đó, khai thác sông, biển 56.000 tấn, nuôi trồng 86.000 tấn, khai thác nội đồng 8.000 tấn. Trong sản lượng nuôi trồng, tôm sú chiếm 19.000 tấn, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng 11.000 tấn. Về cá, sản lượng bình quân 52.000 tấn/năm, trong đó cá da trơn 30.000 tấn. Kế đến là cua 4.200 tấn, nghêu 3.800 tấn/năm. Nói chung, tiềm năng thủy, hải sản của Trà Vinh là rất lớn. Hiện tại năng lực chế biến xuất khẩu của nhà máy chế biến thủy hải sản trong tỉnh mới đạt khoảng 60% sản lượng cho nên nhu cầu về đầu tư chế biến thủy hải sản xuất khẩu đang rất cần thiết.

Về thương mại - du lịch, Trà Vinh cũng có nhiều nét vượt trội. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đặc biệt là tôm và cá da trơn, nông sản, thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ dừa, may mặc, hóa chất, vật tư thiết bị ngành in, dược phẩm đã vươn tới thị trường 34 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tổng kim ngạch hàng năm đạt chưa cao. Trà Vinh còn là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, bởi có nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển Ba Động, Ao Bà Om, các cù lao Long Trị, Tân Quy, nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc với 141 ngôi chùa Khmer theo kiến trúc độc đáo, vừa là nơi giao lưu văn hóa, vừa là những điểm hẹn hấp dẫn riêng cho khách du lịch bốn phương.

Bưu chính viễn thông đã được hiện đại hóa, phủ sóng đều khắp trong cả nước và trên thế giới. Mọi thông tin liên lạc từ các nơi truyền về và từ Trà Vinh truyền đi đều được phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Tỉnh Trà Vinh đã có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp dạy nghề và một số cơ sở dạy nghề cấp huyện, trung tâm Tin học & Ngoại ngữ, trung tâm công nghệ quốc tế NIT sẵn sàng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho doanh nghiệp. Với tổng dân số hơn một triệu người, trong đó trong độ tuổi lao động chiếm 60%, Trà Vinh nêu cao mục tiêu số lao động tỉnh nhà làm việc trong các khu kinh tế, cụm công nghiệp trong tỉnh phải chiếm từ 80% trở lên. Có như thế mới thực sự khai thác tiềm năng tại chỗ, bảo đảm đủ công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân tỉnh nhà.

Các chính sách ưu đãi đầu tư

Trà Vinh thực hiện đầy đủ các quy định theo Nghị định số 214/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời hạn ưu đãi tối thiểu là 10 năm, tối đa là 30 năm; mức thuế suất được giảm cao nhất là 25% và thấp nhất là 10%, tùy lĩnh vực kinh doanh ngành hàng, có trụ sở trên các địa bàn khác nhau. Tương tự với khâu miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 4 năm. Với giảm thuế, chỉ một mức chung là 50%; về thời gian là 2 năm đến 9 năm, tùy lĩnh vực, ngành hàng, tọa độ.

Ưu đãi về hạ tầng kỹ thuật, tất cả các dự án tại các khu - cụm công nghiệp, cảng cá, bến cá như đường giao thông, điện trung thế, hệ thống cấp nước sẽ được Nhà nước đầu tư toàn bộ đến chân hàng rào nhà máy. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương được UBND tỉnh công bố hàng năm, từ đó xem xét ưu tiên đầu tư: đường giao thông, điện trung thế, đường cấp nước đến chân hàng rào dự án. Ưu đãi về đất được tính theo quy định hiện hành của Chính phủ. Thời gian cho thuê tối đa là 10 năm. Riêng giá thuê đất trong khu công nghiệp Long Đức có cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư (không kể nhà, xưởng) là 2.800 đồng/m2/năm; chưa có cơ sở hạ tầng là 1.400 đồng/m2/năm; nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là giá rẻ chưa từng thấy ở bất kỳ địa phương nào trong vùng ĐBSCL. Chưa hết, sau cơ chế giảm, giá rẻ, Trà Vinh còn áp dụng cơ chế miễn tiền thuê đất cho các nhà đầu tư từ 3 đến 15 năm cho các dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư; cơ sở sản xuất kinh doanh mới thực hiện di dời theo quy hoạch, do ô nhiễm môi trường và các dự án đầu tư tại địa bàn các huyện Cầu Ngang, Châu Thành. Các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề trong danh mục ưu đãi đầu tư, hoặc dự án sử dụng thường xuyên từ 500 lao động trở lên, nếu có nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động, nhà đầu tư xây dựng chương trình đào tạo sẽ được Nhà nước xem xét hỗ trợ một lần. Mức hỗ trợ trên không quá 100.000.000 đồng/dự án. Ngoài ra, tỉnh còn có các dịch vụ hỗ trợ không thu phí như: khảo sát, lập dự án đầu tư, cấp phép đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng...

Rõ ràng, Trà Vinh là một vùng đất ngọt, rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nhưng sau 17 năm tái lập, đổi mới vẫn là tỉnh nghèo trong vùng ĐBSCL, và cũng mới đứng hạng thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguyên nhân chính do cơ sở hạ tầng giao thông còn quá yếu kém và thiếu đồng bộ. Hàng trăm năm nay, duy chỉ có quốc lộ 53 từ tỉnh Vĩnh Long đi về Trà Vinh dài hơn 50 km là không phải qua phà, còn lại đi bằng ghe thuyền thô sơ mới sang được các tỉnh khác. Mạng lưới sông, kênh dọc, ngang, dày đặc nhưng chưa có cầu, kể cả quốc lộ 60 nối Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng. Bây giờ Trà Vinh đã và đang trên đà đổi thay. Quốc lộ nào cũng được nâng cấp hiện đại, đặc biệt là hơn 50 km quốc lộ 53 được Chính phủ phê duyệt nâng cấp lên đủ cho 4 làn xe ô tô chạy và sẽ khởi công vào tháng 10/2009 tới. Các cầu lớn Hàm Luông, Cổ Chiên và Đại Nghĩa lần lượt ra đời nối đôi bờ sông rộng mở, đi lại thuận lợi dễ dàng tới các tỉnh, thành phố khác trong vùng. Các cam kết ưu đãi cũng được công khai thực hiện. Tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội bị “dấu kín” hàng trăm năm nay bắt đầu được khai thác dễ dàng. Trà Vinh trở thành điểm hẹn hấp dẫn, đầy đủ niềm tin thành đạt của các nhà đầu tư trong cả nước. Một ngày giao lưu, khảo sát thực tế trôi qua, 23 dự án đã được ký kết triển khai với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 65 tỷ đồng (chưa kể 165 tỷ đồng của 237 tổ chức, cá nhân có mặt trong đêm dự hội ủng hộ ngày vì an sinh xã hội tỉnh Trà Vinh) đã chứng minh điều đó./.

( Theo Thanh Bình // Báo Kinh tế và Dự báo )

  • TPHCM: thay đổi quy định về kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm
  • UBND TP Hà Nội cũng có dự án treo
  • Thái Bình: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật hiệu quả
  • Xuất khẩu năm 2009 của Hà Nội - Không về đích
  • TP.HCM: Đưa thành phố tiến về phía biển
  • Tp Cần Thơ: Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản
  • Hà Nội: Cú hích để tích tụ ruộng đất
  • Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 10, 10 tháng năm 2009 tại tỉnh Hải Dương
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi