Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL: Mở hướng phát triển chiến lược

So với các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) khác, vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh đặc thù, sẽ trở thành trung tâm quan trọng về nông nghiệp và thủy sản trong phạm vi cả nước và thế giới.

 

 Công nhân Công ty TNHH chế biến xuất khẩu thủy sản Quốc Việt phân loại mặt hàng tôm sú đông.   Ảnh : Đức Toàn                                                        

Mới hơn 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vùng KTTĐ ĐBSCL đến nay, nhưng 4 tỉnh, thành trong vùng (gồm An Giang, Cà Mau, Cần Thơ và Kiên Giang) đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho nhiệm vụ mới mẻ nhưng quan trọng này: Thành lập các tổ điều phối, xây dựng kế hoạch phát triển...

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của 4 tỉnh, thành trong vùng KTTĐ đạt khá cao, giai đoạn 2006-2008 bình quân 13,57%/năm (cả nước 7,6%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2008 đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm gần 5% kim ngạch cả nước.

4 tỉnh, thành có 4 thế mạnh quan trọng đứng đầu cả nước gồm: diện tích, sản lượng lúa, tôm, cá và năng lực đánh bắt xa bờ. Thêm nữa, vùng KTTĐ hiện có 9 khu công nghiệp và nhiều dự án công nghiệp, năng lượng lớn đã và đang triển khai.

Mở hướng đi mới

Việc duy trì thế mạnh và nâng cao hơn nữa năng lực phát triển, đòi hỏi 4 tỉnh, thành phải có sự hợp lực và phân công nhiệm vụ cụ thể để tránh chồng chéo.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, cho biết: "TP Cần Thơ được xác định là trung tâm đào tạo nhân lực, chuyển giao khoa học - công nghệ cho toàn vùng ĐBSCL, như vậy, với năng lực sẵn có và mức đầu tư sắp tới, Cần Thơ sẽ đảm đương được vai trò này".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đồng chí Vương Bình Thạnh tự tin: "Về lúa và cá, An Giang đang là số 1. Chỉ cần Chính phủ xây dựng chặt chẽ cơ chế sản xuất, xuất khẩu, An Giang sẽ có cơ hội phát triển 2 mặt hàng chiến lược này".

Tương tự, đồng chí Bùi Công Bửu, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: "Với thế mạnh kinh tế biển và diện tích nuôi tôm chiếm 1/3 cả nước, Cà Mau sẽ có điều kiện vươn xa nếu đầu tư hợp lý cho thủy lợi".

Đồng chí Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng khẳng định tiềm năng kinh tế biển, đảo của địa phương. Vấn đề là muốn phát triển ở mức cao hơn, cần có sự đầu tư đồng bộ và tương xứng.

 
 Nông dân xã Tân Phú, huyện Thới Bình thu hoạch lúa hè thu.                     Ảnh: T.Q

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao tiềm năng của 4 tỉnh, thành trong vùng KTTĐ. Đây là vùng có xuất phát điểm cao hơn mức bình quân chung của cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm chiến lược.

Tuy nhiên, việc quy hoạch chưa theo kịp sự tăng trưởng, nguồn nhân lực hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng, vai trò động lực đối với vùng ĐBSCL. Do vậy, quyết định thành lập vùng KTTĐ chính là hướng đi mới mở ra để Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương mà cụ thể là Ban điều phối vùng KTTĐ ĐBSCL tìm cách khắc phục yếu kém, tạo thêm sức mạnh để vùng KTTĐ là đầu tàu thúc đẩy toàn vùng ĐBSCL phát triển.

Đa mục tiêu, đa trung tâm

Theo Quyết định 492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển của vùng KTTĐ ĐBSCL được xác định là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, trung tâm năng lượng lớn của cả nước, cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã xác định 6 vấn đề nổi bật cần được quan tâm đúng mức trong quá trình điều phối, bao gồm: Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường; trao đổi, cung cấp thông tin và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết: "Đến năm 2010, giao thông trong vùng KTTĐ ĐBSCL đã được kết nối liên vùng và cả nước".

Ngoài hệ thống 5 trục dọc gồm Quốc lộ 1A, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tuyến đường Hồ Chí Minh, đường N1 dọc biên giới, tuyến đường ven biển, ĐBSCL còn có nhiều tuyến đường ngang. Vùng KTTĐ có 3 sân bay đang xây dựng và khai thác (Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc) và sắp tới sẽ đầu tư sân bay taxi tại An Giang.

Đó là chưa kể 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra vào sông Hậu. Trong chương trình đầu tư của Bộ GTVT sắp tới, ĐBSCL còn hàng loạt dự án sẽ triển khai như cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, cầu Năm Căn qua sông Cửa Lớn, nâng cấp các tỉnh lộ nối các cửa khẩu biên giới trở thành quốc lộ, xây dựng đường cao tốc nối Cần Thơ - Phnôm Pênh và quan trọng là tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau.

 
 Nông dân huyện U Minh thu hoạch cá đồng.                                  Ảnh: THANH QUANG

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, an toàn vệ sinh thực phẩm và liên kết 4 nhà là sự sống còn của tôm, lúa, cá, bởi thị trường nước ngoài luôn mở cửa đối với nông phẩm của Việt Nam. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công thương và Bộ NN& PTNT sớm xây dựng cơ chế chống bán phá giá, và siết lại liên kết 4 nhà theo hướng cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: "Bộ Công thương đã xây dựng 3 giải pháp về thương mại, tiêu thụ nông sản và mạng lưới kinh doanh để kiện toàn ngành công thương trong vùng KTTĐ, sẽ triển khai quyết liệt từ nay đến cuối năm".

Vùng KTTĐ không chỉ phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng đang đặt ra gay gắt, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn, việc xử lý chất thải rắn và cấp, thoát nước cho vùng ngày càng trở nên quan trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông hạn chế. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ triển khai hàng loạt dự án về vấn đề này để bảo đảm môi trường cho vùng KTTĐ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngoài dự án đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã trình Chính phủ, chương trình đào tạo 1 triệu lao động/năm cũng sẽ được triển khai để nâng cao trình độ cho người lao động trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm, các địa phương cần thực hiện tốt 5 giải pháp duy trì sự phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế mà Chính phủ đã ban hành. Hiện nay, mỗi địa phương đã thành lập Tổ điều hành riêng, đây là bước chuẩn bị chu đáo và thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Quyết định 492 của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành cần phối hợp với địa phương nghiên cứu phân bổ ngân sách đầu tư hợp lý cho vùng, xem xét việc quản lý hệ thống cấp nước, quản lý chất thải, đầu tư hệ thống cung cấp điện, khí, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn ODA, ưu tiên vốn cho các công trình, dự án trọng điểm của vùng... Mặt khác, đặc biệt quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững; rà soát lại quy hoạch sao cho phù hợp với tình hình và mục tiêu phát triển sắp tới./.

(Theo Trần Minh Trường // Báo Cà Mau )

  • Sản xuất công nghiệp Hà Nội 9 tháng tăng 7,7% so với cùng kỳ
  • Ninh Bình: Giá trị xuất khẩu tăng cao
  • Chỉ số giá tiêu dùng tại T.p HCM tăng cao nhất từ đầu năm
  • Hà Giang: Điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư
  • Vùng ven biển Tây Cà Mau xuất hiện nhiều loài hải sản quí
  • Xây dựng trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước tại Kiên Giang
  • Hà Nội xây dựng hệ thống phân phối: Thị trường lớn, “cuộc chơi” lớn
  • Bến Tre: Một bệnh nhân 19 tuổi mắc cúm A/H1N1 tử vong
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi