Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang: Khai phá tiềm năng vùng lúa gạo

“Nhà đầu tư chưa đến Hậu Giang thì tưởng rất xa, nhưng đến rồi sẽ thấy rất gần” - ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đã chia sẻ như vậy trước gần 30 đại diện các tập đoàn, tổng công ty lớn, tại Hội nghị bàn về xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang ở Hà Nội hôm qua, 12-10.

Cuộc họp do Đảng ủy khối các doanh nghiệp Trung ương và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức để chuẩn bị cho hội thảo Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang năm 2009, sẽ diễn ra trong khuôn khổ Festival lúa gạo tại Hậu Giang vào cuối tháng 11 tới.

Tiềm năng lớn

Tại cuộc họp, đồng chí Võ Đức Huy, Bí thư Đảng ủy khối các doanh nghiệp Trung ương, nhận định: “Hậu Giang là vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế. Chính quyền địa phương cũng vô cùng cởi mở, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp”.

Những gì mà lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giới thiệu cho các nhà đầu tư lớn ở Trung ương đã chứng minh cho nhận định này. Về vị trí địa lý, Hậu Giang nằm ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, chỉ cách TPHCM 240km về phía Tây Nam, nằm giáp TP Cần Thơ, trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Ngoài 2 tuyến quốc lộ (1A và 61) chạy qua, Hậu Giang có hệ thống sông rạch thuận lợi cho giao thông thủy, đặc biệt là có đường ra biển (kênh Quan Chánh Bố khi hoàn thành có thể đón tàu trọng tải 30.000 tấn)…

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, tiềm năng lớn nhất cần khai phá ở Hậu Giang là ngành nông nghiệp. Diện tích canh tác lúa 80.000 ha, trong đó 70.000 ha là lúa chất lượng cao; sản lượng ổn định 1 triệu tấn/năm, xuất khẩu bình quân 350.000 - 400.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, hiện năng lực dự trữ lúa ở tỉnh chỉ đạt khoảng 50.000 tấn (12% tổng sản lượng xuất khẩu); và năng lực chế biến chỉ đạt 17%. Vì vậy, địa phương đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dự trữ và chế biến lúa.

Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lúa. “Hậu Giang có tiềm năng lớn về nuôi cá thác lác, bởi đây là một đặc sản của địa phương” - ông Thắng nói và tin rằng nếu nhà đầu tư tập trung mạnh vào lĩnh vực này, cá thác lác của Hậu Giang có thể trở thành con cá thế mạnh thứ hai của thủy sản xuất khẩu Việt Nam, sau con cá tra.

Các loại cây ăn trái đặc sản ở Hậu Giang cũng có tiềm năng lớn trong khâu chế biến. Ngoài ra, Hậu Giang cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện Hậu Giang đã quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp lớn có diện tích lên đến hàng ngàn hécta để chào đón các nhà đầu tư.

Ưu đãi nhiều

Ngoài các tiềm năng to lớn, các chính sách ưu đãi chính là thế mạnh mà Hậu Giang đưa ra để mời gọi các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong số 7 đơn vị hành chính của tỉnh, có đến 6 đơn vị (trừ thị xã Vị Thanh) thuộc địa bàn được ưu đãi đầu tư: “Vì thế, nhà đầu tư về với Hậu Giang sẽ được hỗ trợ rất nhiều từ chính sách. Chẳng hạn nếu đầu tư vào KCN Châu Thành A, nằm trên QL1A, cách Cần Thơ chỉ 10km, nhưng vẫn được ưu đãi đầu tư bởi đây là khu vực đặc biệt khó khăn được ưu đãi đầu tư”.

Theo quy định, khi đầu tư vào Hậu Giang, nhà đầu tư được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền sử dụng đất từ 3-15 năm. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%-20% cũng được áp dụng trong thời gian từ 10-12 năm. Doanh nghiệp còn được miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu hoàn toàn, cùng với chính sách ưu đãi về vốn tín dụng.

Tại cuộc họp, đại diện 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đều cam kết sẽ cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hậu Giang.

“Khi nhà đầu tư đến Hậu Giang, xin giới thiệu họ tới với Agribank. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ họ và cũng giúp tỉnh xem xét khả năng tài chính của các nhà đầu tư” - TS Nguyễn Thế Bình, Chủ tịch HĐQT Agribank, nói.

“Nói chậm, làm nhanh”

Tại cuộc họp, đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đều đánh giá cao cơ hội đầu tư vào tỉnh Hậu Giang. Thông tin từ tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay đã có khoảng 15 nhà đầu tư thông báo sẽ đưa ra các cam kết đầu tư vào Hậu Giang tại hội thảo xúc tiến đầu tư sắp tới, với tổng số vốn lên đến trên 35.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) dự kiến đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện với số vốn lên tới 19.459 tỷ đồng. Ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam, cho biết, hiện nay các bước chuẩn bị cho dự án đang bảo đảm đúng tiến độ: “Đề nghị lãnh đạo tỉnh giúp đỡ trong khâu giải phóng mặt bằng”. Vấn đề mặt bằng cũng là nỗi lo của nhiều nhà đầu tư khác.

Ông Trần Văn Vẹn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lương thực miền Nam, cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cần quan tâm tới công tác giải phóng mặt bằng: “Chính sách ưu đãi là rất cần, nhưng điều quan trọng là phải đúng thời gian cam kết với nhà đầu tư, nếu “lắc qua, lắc lại” mãi thì nhà đầu tư sẽ nản chí”.

Ông Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, băn khoăn, ở một số địa phương, khi kêu gọi đầu tư thì chính sách thông thoáng, nhưng khi doanh nghiệp đến làm việc trực tiếp với các sở, ngành chức năng, nhất là ở khâu giao đất, giải phóng mặt bằng… thì lại rất khó khăn: “Không biết với Hậu Giang liệu có tình trạng này không?”.

Giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư, ông Trần Văn Thắng khẳng định, giải phóng mặt bằng không phải là vấn đề khó của tỉnh Hậu Giang. Chính sách giải phóng mặt bằng ở Hậu Giang cho đến nay tương đối hợp lòng dân, nên hầu như không gặp vướng mắc gì. Hơn nữa, quan điểm của tỉnh là hỗ trợ quyết liệt cho nhà đầu tư có đất sạch. Thậm chí, có dự án tỉnh còn xuất ngân sách tạm ứng tiền đền bù (do nhà đầu tư chưa bố trí đủ) để dân sớm di dời, bảo đảm đúng tiến độ dự án. Về vấn đề nguồn nhân lực, ông Thắng khẳng định nếu nhà đầu tư và chính quyền địa phương ngồi lại với nhau, bàn thảo cụ thể thì sẽ có hướng giải quyết, và tỉnh Hậu Giang hoàn toàn đủ khả năng cung ứng đủ nhân lực cho các nhà đầu tư.

Kết luận hội nghị, đồng chí Võ Đức Huy đề nghị tỉnh Hậu Giang và các nhà đầu tư sớm xúc tiến khả năng hợp tác, hiện thực hóa các dự án cụ thể, khai thác cho được tiềm năng của vùng lúa gạo trù phú miền Tây Nam bộ: “Trong thực hiện, cố gắng theo phương châm: nói chậm, làm nhanh”.

(Theo Bảo Minh // SGGP online)

  • Thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm : Đồng Nai về đích sớm
  • Cảng Quảng Ninh : Bứt phá qua... bão lốc!
  • Bến Tre là khu vực đầu tiên ở Đông Nam Á nhận chứng chỉ MSC
  • Tây Ninh điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
  • Tuyến trục giao thông Hà Đông được tăng giá đất 40%
  • Khô hạn nghiêm trọng ở miền Bắc: Chuyển trồng lúa sang hoa màu
  • Uông Bí năm 2011 : Ngã rẽ... thị - thành!
  • Quảng Ninh: Nỗ lực mới trong thu hút vốn FDI
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi