Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Lê Văn Học phát biểu ý kiến. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Chiều 5/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Theo một số đại biểu, Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ tư và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009, đến nay sau gần một năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, cần sửa đổi.
Các đại biểu cho rằng để góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận với nhà giá rẻ, cải thiện đời sống, cần điều chỉnh thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở như đề nghị của Chính phủ (từ 10% xuống còn 5% đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp)...
Tuy nhiên, các đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) lại cho rằng chưa cần sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp mà cần xem xét tổng thể, đồng bộ các cơ chế, chính sách xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp. Cần bổ sung quy định nhằm xác định tiêu chí về nhà được hưởng thuế suất ưu đãi, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng pháp luật để trốn thuế, trục lợi.
Các đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Lê Văn Học (Lâm Đồng) và một số đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng này để họ có điều kiện được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, mua trả chậm, hỗ trợ kinh phí, điều kiện thế chấp; có cơ chế khuyến khích xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và người có thu nhập thấp.
Một số đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí người có thu nhập thấp, để tránh bị lợi dụng. Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách nhà ở xã hội khó thực thi trong thực tế là do giá đất quá cao và không chỉ giảm thuế là đủ, quan trọng nhất là có cơ chế chính sách giảm thuế và giá đất, nhất là giá đất ở các khu đô thị, thành phố; đề nghị có những chính sách ưu đãi giảm giá đất.
Một số đại biểu đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra kiểm soát cơ chế chính sách xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, sinh viên, công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, sơ kết các chưng trình xây dựng nhà ở xã hội cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp, công nhân, lao động ở các khu công nghiệp...
Giải trình một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt quyết định về cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân lao động ở các khu công nghiệp được thuê, mua nhà ở. Nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, vì còn rất nhiều người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân lao động ở các khu công nghiệp vẫn chưa thuê được nhà hoặc mua được nhà.
Hiện nay, cả nước còn hơn 500.000 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, cần được cải thiện chỗ ở. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách tổng thể, đồng bộ để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho các đối tượng này thuê hoặc mua nhà ở, trong khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được...
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ lấy ý kiến của từng đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật này để trình Quốc hội trong một phiên họp khác./.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com