Sáng 21-5, Quốc hội đã có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Việc bỏ hay giữ quy định lãi suất cơ bản trong dự luật này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự luật đã được bổ sung quy định về khái niệm “chính sách tiền tệ quốc gia” (CSTTQG) và thẩm quyền quyết định CSTTQG.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng đồng tình với quy định về lãi suất trong dự luật Ngân hàng . Ảnh Minh Điền |
Cụ thể, CSTTQG là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng và các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.
Quốc hội sẽ “quyết định chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng hàng năm và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia”. Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu CSTTQG theo quy định của Chính phủ.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), quy định như trên sẽ không rõ Thủ tướng có thẩm quyền gì, Thống đốc có thẩm quyền gì: “Cần quy định Thủ tướng quyết định các chỉ tiêu, chẳng hạn như cung tiền; còn Thống đốc sử dụng các công cụ tiền tệ để thực hiện chỉ tiêu đó”. Còn đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) không tán thành quy định Quốc hội “quyết định chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng hàng năm”. Theo ông Lý, CSTTQG không chỉ thể hiện ở chỉ tiêu lạm phát mà còn ở nhiều mặt khác.
Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu lắng nghe các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại hội trường. |
Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là quy định về lãi suất cơ bản. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ những năm qua, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008-2009, nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước, lãi suất cơ bản được hiểu đúng không phải là một mức lãi suất, mà là một số lãi suất chủ yếu, trong đó có một lãi suất chủ đạo. Các quan hệ vay và cho vay tuân thủ sự chi phối của các lãi suất chủ yếu này. Do đó, dự luật được chỉnh sửa như sau: (1). Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ. (2). Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành việc bỏ lãi suất cơ bản. Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng trong thời gian qua lãi suất cơ bản là công cụ điều tiết hiệu quả khi thị trường có biến động, nên không nên bỏ quy định này. Hơn nữa, các nước trên thế giới đều sử dụng lãi suất cơ bản, nên Việt Nam cần thiết có công cụ này.
Đại biểu Phan Trung Lý thì đề nghị, bỏ hay giữ lãi suất cơ bản cần có sự cân nhắc, tổng kết, đánh giá một cách thấu đáo: “Lãi suất cơ bản rất quan trọng, trong 2 năm qua đã được dùng để điều tiết thị trường tiền tệ. Không thể nói là xóa bỏ ngay”. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bổ sung: Nếu không tổng kết được ngay thì cũng cần có sự giải thích về việc thu được lợi gì, hại gì từ việc bỏ lãi suất cơ bản.
Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội lại bày tỏ sự đồng tình với quy định về lãi suất trong dự luật. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) lý giải, thời gian qua sự can thiệp để bình ổn thị trường tiền tệ không chỉ có lãi suất cơ bản mà còn có các công cụ khác của Ngân hàng Nhà nước như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc… Ông Trừng đề nghị bỏ quy định về lãi suất cơ bản để trả lại tính thị trường cho thị trường tiền tệ trong điều kiện bình thường. Đó cũng là kiến nghị của đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng).
Tuy nhiên, nếu bỏ lãi suất cơ bản thì liệu có mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự (lãi suất thị trường không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản)? Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, vấn đề này vẫn có thể giải quyết ổn thỏa với quy định “trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác” mà dự luật đưa ra.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.
(Theo HÀM YÊN // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com