Theo Chính phủ, việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện trong thời gian qua chưa đảm bảo tính kịp thời so với sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. |
Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực với nội dung chính được bàn thảo là quy định về giá điện.
Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ cho biết, việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện trong thời gian qua chưa đảm bảo tính kịp thời so với sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá.
Giá bán điện bình quân ngày càng thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào, nên chưa đáp ứng được yêu cầu giảm rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất điện khi thị trường nguyên, nhiên liệu và điều kiện thủy văn biến động lớn; chưa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư; chưa đảm bảo yêu cầu giá điện được tính đúng, tính đủ để khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải, phân phối điện; chưa tạo động lực cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày.
Cũng theo lập luận của cơ quan soạn thảo dự án luật mới này thì Luật Điện lực hiện hành giao cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biểu giá bán lẻ đã không còn phù hợp với thực tế. Để giá điện có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu của thị trường nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước thì cần quy định theo hướng: cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách giá của Luật Điện lực, còn các chi tiết về cơ cấu biểu giá (là các nội dung mang tính kỹ thuật) cần giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện.
Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường tán thành bổ sung quy định“giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Đông thời cũng tán thành “Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện” như dự thảo luật.
Tuy nhiên, lập luận của cả hai cơ quan soạn thảo và thẩm tra chưa đủ thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển quan ngại giá điện sẽ bị đẩy cao hơn khi dự luật quy định "tầng tầng lớp lớp" giá và phí.
Vẫn nên định giá, vì điện vẫn do doanh nghiệp nhà nước độc quyền nên cần định giá để tránh lợi nhuận độc quyền và giá độc quyền, mà chỉ là lợi nhuận hợp lý thôi, ông Hiển đề nghị.
Nhấn mạnh giá điện luôn là tiêu điểm quan tâm của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn, nếu quy đinh cả phí điều tiết hoạt động điện lực như dự thảo luật thì giá điện sẽ tăng lên bao nhiêu? Chủ nhiệm Lý cũng có cùng quan ngại với Chủ nhiệm Hiển khi đọc dự luật thấy“tầng tầng lớp lớp phí và giá”.
Cũng đồng tình là “dự luật tạo cảm giác có rất nhiều loại phí, giá”, song Bộ trưởng Hoàng lý giải, đó là do ngành điện đang trong quá tình tái cơ cấu, tách biệt các khâu từ truyền tải đến bán điện, có khâu giữ độc quyền nhà nước, có khâu xã hội hóa, mỗi khâu có 1 loại giá.
Bộ trưởng cũng tiếp thu để thiết kế lại sao cho tránh cảm giác quá nhiều loại phí, giá gây nặng nề.
Về phí điều tiết điện lực, Bộ trưởng Hoàng giải thích, hoạt động điều tiết điện lực mang tính đặc thù sâu sắc, là một nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, nặng nhọc mà tiền lương thấp. Vì vậy, cần có một phương thức buộc các đơn vị phát điện nộp 1 khoản phí cho cơ quan điều tiết (chứ không phải người tiêu dùng phải trả).
Vẫn nghi ngại,Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, quy định như dự luật, nhà nước có muốn điều tiết điện thì dùng “bàn tay” nào?
“Đúng là đưa quy định giá này thì linh hoạt, tốt hơn cho ngành điện nhưng nếu không làm chắc, cơ chế độc quyền sẽ lấn át. Tôi lo nhất chỗ này vì vai trò nhà nước quá mờ nhạt. Tôi lo luật này áp dụng, giá điện sẽ điều chỉnh lớn” , ông Hiển nói.
Đề xuất chủ nhiệm Hiển đưa ra là dự luật quy định theo định hướng để Thủ tướng quy định giá bán lẻ điện bình quân. Giá này có tính đầy đủ chi phí hợp lý theo giá thị trường để tránh phát sinh giá độc quyền mà nhà nước không can thiệp, điều tiết được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự tán thành. Ông Hùng cho rằng không nên định giá điện, chỉ nên đưa ra khung giá bình quân. Còn giá bán lẻ để đơn vị kinh doanh được tự chủ.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu bỏ quy định 8 loại giá, phí mà cơ quan soạn thảo đề xuất. Dự luật sẽ được chỉnh lý theo hướng Nhà nước quy định giá bán lẻ điện bình quân, làm cơ sở cho các cơ quan xây dựng giá bán cho từng đối tượng cho phù hợp.
Tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án luật này.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com