Hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện tâm huyết đối với việc gìn giữ nguồn tài nguyên của đất nước và bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. |
Gồm XI chương và 86 điều, dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận chiều nay (27/10) tại hội trường. Nếu được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.
Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều thể hiện tâm huyết đối với việc gìn giữ nguồn tài nguyên của đất nước và bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước lâu dài.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là quyền lợi của người dân, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Nhiều ý kiến đề nghị nhà nước có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác.
Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (VĩnhPhúc) cho biết, nếu theo điều 17 quy định tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, có nghĩa việc khai thác phải đảm bảo lợi ích cho người dân, trong đó có người dân vùng khai thác khoáng sản. Khai thác phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng.
Thực tế hiện nay, trách nhiệm cộng đồng của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế nên không ít nơi đã xảy ra mâu thuẫn xung đột cũng như môi trường xuống cấp.
Đại biểu Lan đề nghị, cần có quy định cụ thể mang tính định lượng thì mới giải quyết các vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cũng nêu vấn đề, có thực trạng, tại một số nơi tiến hành khai thác khoáng sản, trong khi người dân khu vực đó có đời sống khó khăn thì các doanh nghiệp khai thác lại hưởng lợi nhuận cao.
Từ đó, đại biểu Tuyết cho rằng, cần quy định trong dự thảo Luật cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý, đảm bảo lợi ích cho người dân địa phương.
Đồng thời trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể quy chế sử dụng, quản lý nguồn thu này của địa phương vào các mục đích phục vụ cộng đồng. Thêm vào đó, trong trường hợp việc khai thác khoáng sản gây thiệt hại đến sản xuất của người dân thì cũng phải có quy chế bồi thường hợp lý.
Liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với việc bảo vệ môi trường, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) mong muốn, cần quy định cụ thể trong luật trong trường hợp xảy ra sự cố về môi trường. Dự luật phải quy định rõ trách nhiệm xử lý, giải quyết những vụ việc như vậy thuộc về cơ quan, tổ chức nào.
Bên cạnh trách nhiệm về môi trường, theo đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản còn phải có trách nhiệm trong việc sửa chữa, duy tu đường sá trên tuyến vận chuyển khoáng sản khai thác. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp khai thác khoáng sản ở tỉnh này nhưng gây hỏng cả đường sá ở tỉnh khác trong quá trình vận chuyển.
Liên quan đến việc đấu giá quyền thăm dò và quyền khai thác khoáng sản, đa số các ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật bởi điều này mở ra cơ hội thu hút nhiều nguồn vốn, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tham gia, đặc biệt hạn chế cơ chế xin cho.
Theo đại biểu Lê Quốc Dũng (Đồng Tháp), vẫn phải quy định điều kiện cụ thể đối với đơn vị trúng thầu để đảm bảo doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, công nghệ phù hợp, tránh lãng phí tài nguyên cũng như hạn chế hiện tượng bán lại dự án.
(Theo Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com