Thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhấn mạnh việc “phải có đối sách dài hơi để kéo bội chi ngân sách xuống, chứ không thể áp dụng chính sách kiểu rách đâu vá đó...”.
Chiều 22/10, đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011.
Theo đánh giá từ các đại biểu, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, chỉ 13 tỉnh có cân đối nguồn thu về trung ương; còn lại đều là các tỉnh nghèo, cần sự hỗ trợ. Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị: Với các dự án chưa hiệu quả, bức thiết ngay, Nhà nước chưa cần bố trí vốn, hạn chế khởi công các dự án mới. Cần ưu tiên vốn cho những dự án mang lại hiệu quả ngay, các dự án liên quan đến đời sống dân sinh, các dự án đang dở dang.
Tuy đề cập ưu tiên các dự án dân sinh, nhưng ông Hải cũng đề nghị cần phân bổ ngân sách đồng bộ, đúng đích để dự án phát huy hiệu quả. Ông Hải nêu lên thực trạng: “Hiện nay có những bệnh viện tuyến huyện được xây dựng rất hoành tráng, đầu tư thiết bị hiện đại nhưng lại không có con người để vận hành những thiết bị đó”.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị: “Chi cho đầu tư phát triển cần tập trung vào các dự án bức thiết liên quan đến đời sống dân sinh. Việc phân bổ ngân sách cũng cần chú ý, ưu tiên đến khu vực nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng sâu, vùng xa. Bởi theo đánh giá của Bộ LĐTB-XH việc chênh lệch giàu nghèo, về mức hưởng thụ của người dân nơi đây hiện khá cao so với những vùng thuận lợi”.
Theo Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2010, dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011, Chính phủ đề nghị mức bội chi NSNN dự kiến 125.100 tỷ đồng (bằng 5,5% GDP) và dự kiến đến cuối năm 2011, mức dư nợ Chính phủ bằng 45,3% GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,8% GDP, dư nợ công bằng 57,1% GDP.
Một số đại biểu cho rằng, nền kinh tế nước ta năm 2011 đã trở lại quỹ đạo phát triển ổn định nên cần tiến hành siết chặt chi tiêu ngân sách để có thể giảm bội chi đầu tư phát triển. Chính phủ cũng nên cân nhắc bội cho NSNN ở mức hợp lý, hướng tới giảm dần bội chi NSNN xuống dưới 5% GDP.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói: “Nếu bội chi cứ “trượt” mãi, lạm phát sẽ tăng cao, đồng tiền mất giá và kinh tế vĩ mô không thể ổn định. Điều này sẽ đem lại hệ lụy tiêu cực lâu dài cho nền kinh tế. Phải có đối sách dài hơi để “kéo” bội chi ngân sách xuống chứ không thể áp dụng chính sách kiểu rách đâu vá đó...”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, đã tới lúc sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách bởi quá trình phân bổ hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ: “Ngân sách dành cho cơ quan Quốc hội còn thấp, kinh phí không đủ nên hoạt động giám sát khó làm tới nơi tới chốn. Đôi khi, giám sát mà chỉ như đi... khảo sát, hiệu quả không cao. Cần phải sửa Luật Ngân sách để khắc phục tồn tại này...”.
( Dân trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com