Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ mới đây đề nghị, bên cạnh việc thu hút vốn ODA, phải có đột phá về cả quan điểm và cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư cho hạ tầng trong nước, trong đó cần tạo cơ chế hấp dẫn tư nhân đầu tư.
Tổng hợp của bộ này cho hay, tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 2.200-2.300 tỷ đồng (tương đương 110-115 tỷ USD).
Trong đó, hạ tầng giao thông cần 1.100-1.150 tỷ đồng; điện cần 427 ngàn tỷ đồng; hạ tầng đô thị và hạ tầng nông thôn cần 220 ngàn tỷ đồng…
Giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu đầu tư lên đến 3.700-3.800 ngàn tỷ đồng (khoảng 185-190 tỷ USD).
Báo cáo cho hay, cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay của Việt Nam còn rất lạc hậu so với thế giới, từ hệ thống, thiết bị đến vận hành, quản lý.
Tỷ lệ đường cao tốc của Việt Nam mới chiếm 0,1% trong khi của Thái Lan là 13,3%, Hàn Quốc 3,3%... Việt Nam cũng chưa có đường sắt tốc độ cao, chưa có hải cảng và sân bay hiện đại, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải đa phương thức.
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị yếu kém so với sự phát triển đô thị, tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, chẳng hạn tại Hà Nội chỉ đạt 6-7%, Tp.HCM khoảng 8%.
Bên cạnh đó, tính đồng bộ, kết nối liên thông của toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng còn yếu, thiếu dữ liệu dẫn đến không có khả năng quản lý, giám sát toàn diện.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những yếu kém trên trước hết có nguyên nhân từ vấn đề tư duy, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chậm đổi mới.
Hiện chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và tư nhân, chưa có chính sách và hình thức thu phí hợp lý để thu hút nhà đầu tư tư nhân. Chính phủ cũng chưa có cơ chế, chính sách biến tài nguyên đất đai thành nguồn lực để đầu tư phát triển.
Trong khi đó, do tư duy nhiệm kỳ, các nhà lãnh đạo muốn để lại dấu ấn từ Trung ương đến địa phương, dẫn đến các dự tính đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu cho trước mắt, ít xem xét đến tính dài hạn vì thế hiệu quả đầu tư, tính sử dụng của các công trình hạn chế.
“Tư duy theo địa giới hành chính kết hợp với cơ chế phân cấp cho các địa phương với nhiều yếu kém về năng lực, trình độ quản lý cộng với việc kiểm tra, giám sát chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm… dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, một loạt các nguyên nhân khác về phương thức quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng lạc hậu, cơ chế chính sách chậm đổi mới, thiếu sự chỉ đạo tập trung, chất lượng quy hoạch thấp… là những lý do dẫn tới sự yếu kém của toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng hiện nay”, báo cáo viết.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com