Ông Nguyễn Minh Hồng là người tự ứng cử duy nhất trúng cử vào Quốc hội khóa 12. |
100% ủy viên Bộ Chính trị, 16/27 thành viên Chính phủ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 (nhiệm kỳ 2011 – 2016).
Đây là một vài con số từ danh sách chính thức những người ứng cử vào Quốc hội khóa tới, vừa được thống nhất tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Theo luật định, hạn chót để tổ chức hội nghị này là ngày 17/4, vì vậy các con số tổng hợp cuối cùng về danh sách ứng cử viên có thể một vài ngày nữa mới được công bố. Song, cũng đã có khá nhiều thông tin đáng chú ý từ các hội nghị đã được tổ chức.
Theo Nghị quyết số 1045 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số đại biểu Quốc hội khóa 13 không quá 500 người. Cả nước được chia thành 183 đơn vị bầu cử với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 494 người.
Trong đó Hà Nội và Tp.HCM có số lượng được bầu nhiều nhất với 30 đại biểu.
Tuy đa số thống nhất là không giới thiệu số dư, song khi chốt danh sách ứng cử viên do các cơ quan Trung ương giới thiệu, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn quyết định đưa 1 ứng cử viên ra khỏi danh sách.
Trong số 182 ứng viên vào vòng cuối, có 11 người thuộc các cơ quan của Đảng (chiếm 6,04%); cơ quan Chủ tịch nước có 3 người (chiếm 1,64%); 20 người thuộc Chính phủ (chiếm 10,98%); lực lượng vũ trang có 16 người (chiếm 8,79%), khối tư pháp có 2 người (chiếm 1,09%); 30 người thuộc mặt trận và các tổ chức thành viên (16,48%).
Chiếm 54,9% với 100 ứng cử viên là khối đại biểu hoạt động chuyên trách ở các cơ quan Quốc hội.
Nằm trong danh sách 182 ứng cử viên ở Trung ương có 12 vị Ủy viên Bộ Chính trị. Hai vị còn lại là Bí thư Thành ủy Tp.HCM và Hà Nội cũng đều được các địa phương này giới thiệu. Như vậy, 100% các vị Ủy viên Bộ chính trị đã ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới.
Bên cạnh 14 vị ủy viên Bộ Chính trị, còn có gần 50 vị là ủy viên Trung ương Đảng trong danh sách được Trung ương giới thiệu. Và ở rất nhiều tỉnh, thành phố, các vị bí thư tỉnh ủy (là ủy viên Trung ương Đảng) cũng được giới thiệu ứng cử.
Về phía cơ quan hành pháp, với sự có mặt của Thủ tướng, ba phó thủ tướng cùng 12 vị mang hàm bộ trưởng, 16/27 thành viên Chính phủ đương nhiệm đã tham gia ứng cử làm đại biểu của dân. 9 vị thứ trưởng của các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ cũng tham gia ứng cử.
Một trong những điều kiện quan trọng của các ứng cử viên là phải được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú.
Với ứng cử viên Trung ương, kết quả lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của 183 người (sau hiệp thương lần 2) cho thấy có 179 người được tín nhiệm 100%; 4 người đạt tín nhiệm từ 84% đến dưới 100%.
Hội đồng bầu cử cũng chỉ nhận được 1 đơn duy nhất kiến nghị về 1 ứng cử viên đang là đại biểu Quốc hội chuyên trách và đã giải quyết.
Với các ứng cử viên địa phương, trong tổng số 903 người có 824 người được cử tri nơi cư trú tín nhiệm 100%; 36 người được tín nhiệm từ 50% đến dưới 100%. 37 ứng viên không đạt 50% phiếu thuận tại hội nghị cử tri. Trong số này có 3 ứng viên chỉ đạt chỉ số tín nhiệm chưa đến 10%. Đặc biệt, có 1 vị tại Thừa Thiên - Huế chỉ đạt 1,24%.
Trong quá trình chuẩn bị bầu cử, thông tin về những người tự ứng cử luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Khi Quốc hội khóa 12 chỉ duy nhất 1người tự ứng cử trúng cử.
Có một sự trùng hợp là trong danh sách chính thức của cả Hà Nội và Tp.HCM đều có 4 người tự ứng cử.
Tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với các ứng viên tại địa phương cho thấy có trên 20/63 tỉnh, thành có người tự ứng cử. Hà Nội dẫn đầu với 30 người, Tp.HCM 22 người, Nghệ An 5 người, còn lại mỗi nơi chỉ có từ 1 đến 2 người tự ứng cử.
Tuy nhiên, một số người đã tự rút đơn nên không lấy phiếu tín nhiệm. Riêng Hà Tĩnh đã có 2 người tự ứng cử lọt vào danh sách chính thức (theo TTXVN).
Bên cạnh các con số, diễn biến tại các hội nghị hiệp thương lần ba cũng cung cấp một số thông tin đáng chú ý khác.
Như hình thức biểu quyết, trong khi Tp.HCM biểu quyết bằng phiếu kín thì hội nghị của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều tỉnh, thành khác chọn hình thức giơ tay.
Thông tin trên trang web về “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016” của Hội đồng Bầu cử Trung ương cũng cho biết, tại Hòa Bình dù được 100% cử tri nơi cư trú tín nhiệm vẫn có hai người xin rút không tham gia ứng cử, với lý do không đủ năng lực và điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người đại biểu dân cử.
Hà Nội cũng có đến 7 ứng cử viên xin rút, và 11 vị 11 ứng cử viên không chấp hành chính sách pháp luật và các quy định bầu cử được đưa ra khỏi danh sách để bầu.
Về cơ cấu, thành phần, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên cho biết, qua kết quả sơ bộ về hiệp thương lần 3 về cơ bản là đảm bảo yêu cầu.
Đó là tỷ lệ người ngoài Đảng khoảng 15 đến 20%, phụ nữ khoảng 30%, người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 30%, tái cử khoảng 40%...
Tại hội nghị hiệp thương lần 3, trước khi giơ tay biểu quyết, một số vị trong Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn tỏ ra băn khoăn về thông tin của các ứng viên quá sơ lược.
Ông Tuyên giải thích, việc xem xét tư cách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 chưa phải là đã kết thúc sau hội nghị này. Nếu sau này còn phát hiện sai sót đối với người ứng cử thì Hội đồng bầu cử Trung ương tiếp tục xem xét để đưa ra phương án xử lý đúng luật định.
"Thậm chí, nếu người ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 mà sau đó phát hiện có vi phạm vào một trong 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội thì kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13 sẽ tiếp tục xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật," ông Tuyên khẳng định.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com