7. Mắt điện tử
Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đang chế tạo vi mạch (chip) có thể giúp người mù phục hồi một phần thị lực. Tuy không thể phục hồi thị lực trở lại hoàn toàn bình thường nhưng nó cho phép người mù nhận dạng gương mặt và đi lại trong phòng mà không cần trợ giúp. Chip - được bọc trong lớp titan để không bị nước mắt làm hỏng hóc – sẽ được cấy vào nhãn cầu của bệnh nhân. Sau đó, người bệnh sẽ đeo kính mát có gắn camera bé xíu truyền hình ảnh ghi được trực tiếp vào chip và chip sẽ chuyển cho não bộ xử lý. Dự kiến, “mắt điện tử” sẽ được thử nghiệm trên người trong vài năm tới.
8. Xương bằng gỗ
Thật kỳ quặc khi cho rằng việc đặt những que gỗ vào cơ thể người là liệu pháp điều trị mang tính đột phá, nhưng thực tế đó là mục tiêu các nhà khoa học Ý đang hướng tới. Họ đang nghiên cứu sử dụng gỗ – sồi đỏ, mây, tuyết tùng – để tạo ra thành phần carbonated hydroxyapatite thay thế xương nhân tạo. Do gỗ có đặc tính xốp nên xương người được cho sẽ tái tạo trên khung gỗ nhanh hơn so với trên những mảnh ghép bằng titan hay gốm, qua đó rút ngắn thời gian “vá” xương gãy.
Hiện nay, “xương gỗ” đang được thử nghiệm trên cừu. Các nhà nghiên cứu cho biết với loại xương nhân tạo này, họ có thể tạo ra gần như bất kỳ kích cỡ và kiểu dáng nào.
9. Máy ảnh 3 chiều
Fujifilm vừa tung ra thị trường máy chụp ảnh kỹ thuật số 3 chiều (3D) đầu tiên trên thế giới: FinePixReal 3D W1. Camera “10 chấm” này có 2 ống kính, được đặt cách xa nhau giống như khoảng cách giữa hai mắt người, có thể chụp ảnh với nhiều góc độ khác nhau. Những hình ảnh này sau đó được kết hợp lại thành một, tạo cho người xem cảm giác ảnh có chiều sâu và góc chụp cực rộng. Ảnh chụp 3 chiều có thể xem (mà không cần mang kính 3 D cồng kềnh) trên màn hình LCD phía sau máy ảnh cũng như trưng bày trên khung hình số FinePix Real 3D 8,4 inch cũng do Fujifilm sản xuất.
10. Khớp gối 20 USD
Hàng chục ngàn người tàn phế ở các nước đang phát triển sử dụng chân giả rẻ tiền Jaipur Foot. Nhưng bệnh nhân nghèo bị thoái hóa khớp gối lại có ít sự chọn lựa: khớp gối giả bằng titan có giá đến 10.000 USD và nhiều mẫu lại không phát huy hiệu quả. Một nhóm sinh viên công nghệ Đại học Stanford (Mỹ) đã thiết kế khớp gối không chỉ có giá “rẻ bèo” – chỉ 20 USD – mà còn bắt chước cử động của khớp gối tự nhiên. Với sự hỗ trợ của nhà sản xuất chân giả Jaipur Foot, khớp gối JaipurKnee được chế tạo bằng loại nylon có chứa dầu và tự bôi trơn, hoạt động tốt và linh hoạt kể cả trên những địa hình không bằng phẳng.
Hiện khớp giả này đang được lắp thử nghiệm cho hơn 300 người ở Ấn Độ. JaipurKnee gồm 5 mảnh nhựa cộng 4 con ốc và bu-loong. Quá trình chế tạo chỉ mất vài giờ và không cần các dụng cụ chuyên dụng.
11. Xe đạp YikeBike
Với loại xe đạp điện có thể xếp được này, người điều khiển ngồi trên yên, vịnh tay vào 2 bên sườn xe và phóng về trước với vận tốc tối đa 20 km/giờ. Người lái ngả người sang trái hoặc sang phải để điều khiển xe kết hợp với sử dụng thắng điện tử. 100 chiếc YikeBike đầu tiên sẽ lăn bánh ở New Zealand và Anh cùng một số nước châu Âu khác vào giữa năm 2010.
Với trọng lượng khoảng 9 kg, YikeBike chạy bằng pin lithium phosphate và sau 20 phút sạc có thể đạt được 80% công suất pin.
12. Đồ bơi siêu cấp
Nhà sản xuất đồ bơi nổi tiếng của Ý, Arena, đã cho ra đời một sản phẩm không tưởng: bộ đồ bơi công nghệ cao giúp người mặc bơi nhanh hơn cả đại kình ngư Michael Phelps, điều đặc biệt là nó không có gắn bất kỳ mô-tơ nào. Tại giải bơi vô địch thế giới ở Rome mùa hè vừa qua, vận động viên Paul Biedermann của Đức đã mặc sản phẩm Powerskin X-Glide và khiến Phelps nếm mùi thất bại đầu tiên trong 4 năm qua trên đấu trường quốc tế ở hạng mục bơi tự do 200 m. Bề mặt nhẹ bằng polymer của đồ bơi có tác dụng hút không khí để gia tăng sức nổi trên mặt nước của vận động viên, qua đó hạn chế lực cản trong nước.
Chính Biedermann thừa nhận đồ bơi của Arena đã tạo lợi thế giúp anh đánh bại đối thủ Phelps, trong khi huấn luyện viên của Phelps dọa sẽ rút tay bơi nổi tiếng người Mỹ ra khỏi các giải đấu sắp tới nếu Liên đoàn bơi lội thế giới không cấm mặc X-Glide. Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, X-Glide và các loại đồ bơi làm bằng chất liệu có nguồn gốc từ plastic sẽ không được phép xuất hiện trên đường đua xanh thế giới.
13. Nông trại thẳng đứng
Đất đai là thứ chúng ta không thể sản xuất thêm được nữa. Đây là thực tế khiến người làm nông nghiệp đau đầu, bởi với diện tích đất canh tác có hạn thì làm sao có thể tạo ra đủ lương thực cung cấp cho dân số thế giới không ngừng gia tăng. Một giải pháp đó là canh tác nông nghiệp theo chiều thẳng đứng. Công ty Valcent ở bang Texas (Mỹ) đã sáng chế ra hệ thống canh tác theo đó hoa màu được trồng trong hệ thống luống xoay với luống này nằm chồng trên luống kia (ảnh).
Trong nông trại hình trụ xoay này, cây sẽ được tiếp nhận lượng ánh sáng và dưỡng chất vừa đủ cần trong khi cách bố trí những luống cây chồng lên nhau giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới so với cách canh tác truyền thống. Nhưng trên hơn hết, nông trại thẳng đứng có thể nâng cao sản lượng lương thực mà không cần mở rộng diện tích đất nông nghiệp.
(Theo LONG CHÂU (Theo Time) // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com