Bị hỏng một mắt do tai nạn lúc 11 tuổi, nhà quay phim Canada gốc Mỹ, Rob Spence quyết tâm thay con mắt giả bên phải bằng máy quay phim mi-ni. Và anh sắp được toại nguyện.
Ở tuổi 36, Spence muốn biến khuyết tật của cơ thể trở thành một sức mạnh siêu nhân. Anh muốn dùng “con mắt biết quay phim” của mình phục vụ nghệ thuật thứ 7, thay vì sử dụng nó làm gián điệp hay tình báo. Tự nhận mình là “eyeborg” (người có đôi mắt nửa thiệt nửa máy), Spence muốn sử dụng “mắt quay phim” để sản xuất điện ảnh, đồng thời kiểm chứng thực trạng sử dụng máy quay an ninh và camera quay lén để giám sát hành vi con người.
Ảnh: ABC, Ottawacitizen |
Tuần trước, lần đầu tiên, Spence và nhóm của mình thành công trong việc trang bị đèn LED màu đỏ cho con mắt giả của anh (ảnh 1). Mặc dù nó chưa phải là camera nhưng thành công bước đầu đó tạo cho nhóm của Spence niềm tin rằng mắt giả có thể “chứa chấp” thiết bị điện tử và pin dùng kèm.
Là nhà quay phim nên việc Spence muốn biến “cửa sổ tâm hồn” thành phương tiện tác nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Tháng 11 năm ngoái, anh chính thức loan báo kế hoạch táo bạo này trên blog. Đầu năm nay, Spence công bố dự án Eyeborg trên trang www.eyeborgblog.com. Cùng với Kostas Grammatis, cựu kỹ sư điện tử của SpaceX (công ty vận tải không gian Mỹ), Spence bắt tay với công ty Omnivision ở California và RF-Links ở Toronto, nơi anh đang sống, để phát triển “mắt quay phim”.
Omnivision là nhà sản xuất camera mi-ni dùng trong điện thoại di động, máy tính xách tay và thiết bị y khoa. Còn RF-Links thì chuyên về các thiết bị ghi hình và âm thanh không dây. Gần đây, ê-kíp của Spence đã chế tạo thành công con mắt giả có gắn máy quay cho phép anh truyền hình ảnh video trong khoảng 3 phút. Nhưng chất lượng hình ảnh không được tốt. Theo Grammatis, mục tiêu của nhóm là tạo ra một thiết bị có tính năng giống như máy quay phim chuyên dụng.
Spence không phải là người “độc nhãn” duy nhất ước muốn thay thế mắt giả bằng webcam. Tháng 11-2008, họa sĩ Tanya Vlach ở San Francisco (Mỹ) từng gây xôn xao trên cộng đồng mạng khi đăng “lời kêu gọi các kỹ sư” trên website cá nhân – cô muốn được người trong nghề tư vấn về mắt điện tử. Sau tai nạn ô tô khiến cô mất con mắt bên trái năm 2005, cô họa sĩ 35 tuổi này tìm đến blog để lưu lại trải nghiệm của bản thân khi bị khuyết một “cửa sổ”. Nhận thấy sự phổ dụng của camera mi-ni trong điện thoại di động, webcam và camera di động khác, Tanya tin rằng một chiếc máy quay nhỏ gắn vừa vào mắt giả (của cô) là điều hoàn toàn khả dĩ. Từ đó, cô bắt đầu nghiên cứu ý tưởng “eyecam” (mắt quay phim).
Tuy đang theo đuổi 2 dự án khác nhau, nhưng Spence và Tanya thường xuyên “nối mạng” với nhau và ấp ủ kế hoạch lập “hội độc nhãn” ở San Francisco vào cuối năm nay. Spence cho biết hiện anh đang hợp tác với Steve Mann, giáo sư công nghệ của Đại học Toronto (Canada), người đi tiên phong trong công nghệ wearable computing (máy tính mang trên người). Giáo sư Mann tự nhận mình là cyborg (người mang đặc điểm nửa người nửa máy) đầu tiên trên thế giới, đi đầu trong việc sử dụng máy quay không dây đeo trên mắt (ảnh 2), ghi lại sinh hoạt thường ngày của bản thân và chiếu trên Internet.
Những “nhà làm phim” nghiệp dư như Mann được cư dân net gọi là glogger. Ông cho biết hiện có khoảng 30.000 glogger trên thế giới sử dụng máy quay gắn trên cơ thể để phát “tin tức” về cuộc sống của họ cho người khác xem qua web. Cũng như Spence, họ muốn ghi lại cuộc sống của mình và chia sẻ với người khác. Nhưng thay vì viết nhật ký trên blog, họ ghi nhật ký bằng hình ảnh video. Theo giáo sư Mann, glogging (nhật ký video) xuất hiện trước nhật ký điện tử khá lâu, và nó ấn tượng hơn so với blog.
(Theo CTO, ABC, Ottawacitizen)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com