Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những giả thuyết mới về sinh vật ngoài trái đất

Trong suốt như thủy tinh, nhỏ xíu như vi khuẩn là những giả thuyết về hình dạng của sinh vật ngoài địa cầu mà giới khoa học đưa ra.
Mỗi khi nghĩ tới sinh vật ngoài địa cầu, trí tưởng tượng của con người sẽ thỏa sức bay bổng. Ảnh: maths.org.
Mỗi khi nghĩ tới sinh vật ngoài địa cầu, trí tưởng tượng của con người sẽ thỏa sức bay bổng. Ảnh: maths.org.

Chủ đề sinh vật ngoài hành tinh vẫn thu hút sự chú ý của giới khoa học trong nhiều năm qua. Trong hai ngày 25 và 26/1, các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự hội thảo quốc tế về khả năng phát hiện nền văn minh ngoài địa cầu theo lời mời của Hiệp hội Hoàng gia Anh. Chủ đề của hội thảo là "Phát hiện nền văn minh ngoài vũ trụ và những hậu quả của nó đối với xã hội và khoa học".

Mỗi khi đối mặt với câu hỏi “Sinh vật ngoài trái đất có hình dạng thế nào?”, chúng ta sẽ để trí tưởng tượng hoạt động hết công suất. Người nói chúng là những quái vật có xúc tu như bạch tuộc, kẻ bảo chúng có hình dạng giống người nhưng sở hữu nước da xanh xám. Do giới khoa học chưa phát hiện bất kỳ manh mối nào về cấu tạo giải phẫu của sinh vật ngoài hành tinh, chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đối mặt với chúng.

Theo Newscientist, mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng đáng thuyết phục, nhiều nhà thiên văn và sinh học đã đưa ra những giả thuyết về khả năng tồn tại của sinh vật ngoài trái đất. Thậm chí một số nhà khoa học còn dự đoán về hình dáng, tính cách và cấp độ văn minh của chúng.

Giới khoa học đưa ra hai khả năng trong nỗ lực tìm kiếm nền văn minh ngoài trái đất. Thứ nhất, loài người nên thám hiểm tất cả những hành tinh và vệ tinh gần địa cầu mà phi thuyền của chúng ta có thể tới. Thứ hai, chúng ta có thể phát tín hiệu tới những hành tinh xa xôi với hy vọng một nền văn minh nào đó sẽ bắt được và trả lời.

Nếu một nền văn minh nào đó tồn tại ngay trong hệ Mặt Trời thì chúng ta sẽ có một chút thông tin về môi trường sống của chúng. Rất nhiều nơi trong hệ Mặt Trời có thể nuôi dưỡng sinh vật sống nhờ sự hiện diện của hợp chất carbon và nước. Chẳng hạn, những tầng đất sâu trên sao Hỏa có thể đủ ấm để nuôi dưỡng những vi sinh vật giống như vi khuẩn trên trái đất. Cũng rất có thể các sinh vật to lớn đang bơi trong các đại dương đầy nước của một số vệ tinh trong hệ Mặt Trời – như vệ tinh Europa của sao Mộc. Mới đây các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về sự hiện diện của đại dương ngầm chứa nước bên dưới bề mặt băng của vệ tinh Europa. Bên dưới đại dương ngầm này là lõi đá của Europa – nơi các miệng núi lửa phun ra các dòng nước nóng và giàu dưỡng chất.

Nhà sinh học thiên văn Dirk Schulze-Makuch của Đại học Washington, Mỹ cho rằng năng lượng mà những miệng núi lửa có thể nuôi sống hàng nghìn tỷ vi sinh vật. Quần thể vi sinh vật lại là thức ăn của những động vật ăn thịt lớn hơn. Cứ như thế chúng sẽ tạo thành một chuỗi thức ăn. Theo Schulze-Makuch, kẻ săn mồi to lớn nhất trong đại dương ngầm của Europa có thể là sinh vật xấu xí có trọng lượng khoảng 1 g.

“Những động vật săn mồi có kích thước bằng con tôm có thể tồn tại trên Europa. Chúng không thể to hơn vì không đủ mồi”, Schulze-Makuch nhận xét.

Tất nhiên, nói sinh vật trên Europa có kích thước bằng con tôm không có nghĩa là chúng có hình dạng giống tôm. “Chúng ta không thể nói bất kỳ điều gì về hình dạng của chúng”, Schulze-Makuch thừa nhận. Ngay cả nhiều động vật trên trái đất cũng khiến con người bất ngờ bởi những hình dạng kỳ quái của chúng.

“Tôi đoán rằng chúng giống con sâu, bởi sâu là một loại sinh vật cực kỳ thành công trên trái đất”, Schulze-Makuch nói.

Một bộ phận giới sinh học thiên văn lại nghĩ tới sự tồn tại của những sinh vật sống không cần nước. Phần lớn thiên thể trong hệ Mặt Trời quá nóng hoặc quá lạnh để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Tuy nhiên, nước không phải là chất lỏng duy nhất chứa các chất hóa học. Nhiều dạng chất lỏng khác cũng chứa những thứ ấy. Đó là tuyên bố của Steven Benner, một nhà khoa học thuộc Quỹ tài trợ nghiên cứu tiến hóa phân tử ứng dụng tại Gainesville, bang Florida, Mỹ.

Những đám mây trên sao Kim - hành tinh thứ hai tính từ mặt trời - chứa những giọt axit sulphuric. Vì thế rất có thể những hồ axit từng tồn tại trên bề mặt sao Kim cách đây vài tỷ năm. Mặc dù axit là môi trường hủy diệt, nó vẫn có thể nuôi dưỡng sinh vật sống nếu chứa những hóa chất phù hợp. Những sinh vật có khả năng sống trong môi trường axit phải được tạo nên bởi những chất chống axit.

“Những sinh vật đa bào trên sao Kim có thể sở hữu những mạch máu được tạo nên bởi thủy tinh để chúng có thể sống trong axit”, Benner nói.

Mà cũng rất có thể những sinh vật trên sao Kim có thân hình trong suốt như thủy tinh và di chuyển trên các tảng đá, chứ không bơi trong axit. Ngoài ra thủy tinh cũng không phải là vật liệu duy nhất có khả năng chống chịu axit. Nhiều hợp chất khác cũng có đặc tính tương tự - như Teflon, polyethylene và silicone.

Ở đâu đó trong hệ Mặt Trời, các hồ và biển trên bề mặt thiên thể vẫn tồn tại tới tận ngày nay, dù chúng không chứa nước. Trên vệ tinh Titan của sao Thổ, các hồ được hình thành bởi hỗn hợp etan và metan ở dạng lỏng. Schulze-Makuch cho rằng một số dạng sinh vật có thể sống trong môi trường như thế.

“Nước có sức căng bề mặt lớn, mà sức căng bề mặt càng lớn thì kích thước tế bào càng nhỏ. Điều đó giải thích tại sao vi khuẩn trên trái đất có kích thước cực bé. Ngược lại, sức căng bề mặt của hỗn hợp metan-etan yếu hơn rất nhiều, vì thế các tế bào trong môi trường đó có thể có kích thước cực lớn”, Schulze-Makuch giải thích.

Trong cách nhìn của loài người thì những sinh vật trên vệ tinh Titan tiến hóa tương đối chậm. Biển trên Titan lạnh thấu xương nên các phản ứng hóa học trong đó sẽ diễn ra siêu chậm.

“Rất có thể sinh vật trên Titan di chuyển chậm và cũng lớn chậm. Vòng đời của chúng có thể lên tới 10.000, thậm chí hàng triệu năm”, Schulze-Makuch phát biểu.

(Theo Vnexpress)

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Loài người và sự thật ăn thịt đồng loại
  • Ma cà rồng - Truyền thuyết, sự thật và những lý giải khoa học
  • Những dự báo công nghệ của năm 2010
  • Top 10 sự kiện công nghệ lớn trong thập kỷ qua
  • Einstein không học dốt, Napoléon chẳng lùn
  • Hai anh em - hai nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng
  • Một chút phong thủy cho cuộc sống nhẹ nhàng
  • Albert Einstein: Người thay đổi thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Qua bộ gen, xác định nguy cơ bị hen khi trưởng thành
  • Những điều có thể nhiều người chưa biết về trái tim
  • Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi
  • Rối loạn giấc ngủ dễ mắc ung thư tiền liệt tuyến
  • Cà chua và đậu nành ngừa ung thư tuyến tiền liệt
  • Phương pháp tốt nhất để tăng cường trí nhớ tuổi già
  • Các nhà khoa học đã có thể “đọc” được giấc mơ
  • Hạt quả óc chó giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường
  • Aspirin làm giảm nguy cơ ung thư vùng đầu và cổ
  • Anh: Vắcxin mới chống lở mồm long móng động vật
  • Điều trị chứng run tay không cần phẫu thuật não
  • Thực phẩm chức năng có thể giúp điều trị bệnh tự kỷ