Gia công phụ tùng kim loại dành cho xe máy có chất lượng khá khác biệt. Ảnh: Đức Thanh |
Theo kết quả khảo sát mà JETRO vừa tiến hành tại miền Bắc và miền Trung, các doanh nghiệp tạo hình chính xác (dành cho linh kiện điện tử) trong ngành gia công nhựa/cao su của Việt Nam đều ở trong tình trạng khó đạt được các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo JETRO, một trong những nguyên nhân là do thiếu cơ chế kiểm tra sản phẩm. Trong ngành gia công cơ khí, bao gồm linh kiện cơ khí chính xác, mạ, xử lý bề mặt, rất ít nhà máy có thể sản xuất được những linh kiện chính xác đạt yêu cầu mà doanh nghiệp Nhật Bản đặt ra. Gia công phụ tùng kim loại dành cho xe máy ở trong tình trạng lộn xộn, nên chất lượng khá khác biệt.
Ngay trong lĩnh vực cáp, linh kiện điện tử, cho dù bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân nỗ lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng vẫn cần đầu tư lớn cho thiết bị sản xuất và máy móc kiểm tra sản phẩm.
Kết quả điều tra từ việc gửi thư mẫu điền dữ liệu tới 297 doanh nghiệp (có 164 doanh nghiệp trả lời) và đi thăm 149 DN do JETRO vừa tiến hành cũng cho thấy, ngoài các vùng quanh Hà Nội, có ít các doanh nghiệp có khả năng cung cấp linh kiện.
Đây là một trong những ví dụ mới nhất về hình ảnh phát triển công nghiệp phụ trợ của ViệtNamtrong thời gian qua.
Trên thực tế, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để thông qua đó thúc đẩy sản xuất trong nước, tham gia chủ động vào dây chuyền sản xuất và tạo môi trường tốt hơn, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài đã được nói tới từ lâu. Các chương trình hành động quốc gia cũng như hợp tác giữa Việt Nam và một số nước (trong đó có Nhật Bản) cũng đã được xây dựng, nhưng vì nhiều nguyên nhân, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển được như mong muốn.
Ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho biết, phải thùa nhận thực tế là môi trường kinh tế Việt Nam hiện chưa tạo điều kiện để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào các khâu sản xuất hỗ trợ với hướng phát triển dài hạn, bền vững trong bối cảnh hội nhập.
“Các mối liên kết kinh tế chủ yếu theo ngành dọc cũng như hệ thống thuế chưa tốt khiến chưa có tác dụng tích cực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Trụ nói.
Cũng theo ông Trụ, dung lượng thị trường còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với công nghiệp hỗ trợ và việc tham gia của các doanh nghiệp phụ thuộc vào sự khống chế và điều tiết của các tập đoàn đa quốc gia, nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi tham gia vào lĩnh vực này.
Trong số các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển là cần thiết.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, hệ thống ngân hàng phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ chế bảo lãnh tín dụng khi thu hồi thông qua các tài khoản phải thu và thế chấp các tài khoản phải thu khi vay vốn của các tổ chức tín dụng của Nhà nước là đáng để nghiên cứu.
Ông Trụ cho rằng, sử dụng vốn ODA để hỗ trợ đào tạo lao động, xây dựng thể chế pháp lý và các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình hợp tác với các công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng là một giải pháp để có thể phát triển ngành công nghiệp còn đang yếu của Việt Nam.
Ông Keisuke Kobayashi nhận định, nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện cơ chế cho vay để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư thiết bị. Ngoài ra, cũng phải có chế độ thanh tra doanh nghiệp xem liệu đó có phải là doanh nghiệp xuất sắc hay không.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com