Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư có nhiều cơ sở sản xuất, lắp ráp các sản phẩm ô tô, xe máy, hàng may mặc, điện tử, da giày…
Các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Ảnh: Hồng Thoa |
Tuy nhiên, tỉ lệ cung ứng hàng hóa (giá trị nội địa hóa) trong chế tạo các sản phẩm trên còn thấp, phần lớn các linh kiện và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, lắp ráp các sản phẩm này đều phải nhập ngoại, đẩy chi phí sản xuất tăng cao.
Những “lỗ hổng” về phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hiện nay, các ngành CNHT Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển của mình nhưng chưa được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, trong đó nổi bật là những vấn đề đặc biệt như:
Về thị trường, một trong những lý do quan trọng giúp cho việc phát triển các ngành CNHT Việt Nam là phải có chính sách thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT sản xuất trong nước. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực cho thấy, nếu thị trường sản phẩm CNHT nội địa tăng trưởng đến một ngưỡng nào đó thì các công ty lắp ráp sẽ tự động lựa chọn các nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí. Ở giai đoạn phát triển ban đầu, cần có sự can thiệp của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển thị trường nội địa nhưng việc chỉ định thầu hoặc giao thầu cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT Việt Nam lại bị chi phối bởi Luật Đấu thầu hiện hành mà Luật này không quy định cụ thể các ưu đãi về đấu thầu đối với các ngành CNHT Việt Nam, trong khi nếu tham gia đấu thầu thì DN Việt Nam khó có khả năng trúng thầu do hạn chế về tài chính, về kinh nghiệm so với các nhà thầu nước ngoài. Do vậy, thị phần nội địa của các sản phẩm CNHT Việt Nam đang bị co hẹp do bị cạnh tranh mạnh bởi các sản phẩm NK.
Về đầu tư, mặc dù đã có Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư nhưng vì CNHT không thuộc danh mục ưu đãi đầu tư của Luật Đầu tư nên không được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi của Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP hiện hành.
Về hạ tầng, các DN trong ngành CNHT Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ, hạn chế về tài chính nên rất cần các ưu đãi về cơ sở hạ tầng để giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy vậy, theo qui định của Luật Đất đai, vì CNHT không thuộc danh mục ưu đãi đầu tư nên các dự án sản xuất sản phẩm CNHT không thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi về cơ sở hạ tầng.
Về thuế, các DN trong ngành CNHT Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ, hạn chế về tài chính nên cần có chính sách ưu đãi về thuế để có khả năng đứng vững và thâm nhập thị trường nội địa trong giai đoạn mới đầu tư, nhưng theo quy định của Luật thuế và Nghị định 149/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế thì việc ưu đãi thuế NK, thuế thu nhập DN, thuế VAT... cũng chỉ áp dụng cho những đối tượng thuộc danh mục ưu đãi đầu tư. Vì CNHT không thuộc danh mục ưu đãi đầu tư như nêu trên nên không phải là đối tượng được hưởng ưu đãi thuế.
Cần sớm có những chính sách ưu đãi
Thúc đẩy CNHT là điều kiện cần thiết cũng như bước đi quan trọng trong định hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần nâng cao năng lực DN trong nước để tồn tại và cạnh tranh hiệu quả với hàng hóa NK và các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Đến giai đoạn hiện nay, việc mở rộng về số lượng đã đạt được nhờ tự do hóa kinh tế, chính sách mở cửa và luồng vốn lớn từ nước ngoài chảy vào. Tuy nhiên, trong những năm tới, việc thực hiện nghĩa vụ của các nước thành viên WTO và hoàn thiện quá trình tự do hóa AFTA vào năm 2018 sẽ gây ra áp lực lớn đối với các DN trong nước. Nếu năng lực công nghệ và năng lực quản lý của các DN trong nước vẫn yếu như hiện nay thì phần lớn các ngành công nghiệp Việt Nam sẽ bị đình trệ hoặc thậm chí biến mất do áp lực cạnh tranh khốc liệt; Việt Nam sẽ chỉ đứng ở vị trí một nước sản xuất hàng hóa giá trị thấp, chịu sự chi phối của DN nước ngoài.
Trong khi sự phát triển các ngành CNHT chưa đáp ứng kịp nhu cầu cấp bách của nền kinh tế thì Nhà nước hầu như vẫn chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể cho việc phát triển các ngành CNHT. Việc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN ngày 31/7/2007 Phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 là hết sức cần thiết nhưng cũng mới chỉ mang tính định hướng. Do vậy, từ những bài học kinh nghiệm về phát triển CNHT của các nước trong khu vực cũng như từ thực trạng và nhu cầu phát triển CNHT Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ về ưu đãi phát triển CNHT là đặc biệt cấp bách để tạo hành lang pháp lý giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, DN... trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh các dự án và các sản phẩm CNHT tại Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định về ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ sau khi đã được Bộ Công Thương hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự thảo tập trung vào một số vấn đề như: Tổng quan về tình hình phát triển CNHT tại Việt Nam; sự cần thiết phải ban hành Nghị định về ưu đãi phát triển CNHT… Theo đó, những chính sách ưu đãi để phát triển CNHT được đề cập tới cần thực hiện các biện pháp đa dạng và thực hiện trên phạm vi rộng. Cụ thể, từ ưu đãi phát triển thị trường đến ưu đãi về khoa học – công nghệ, hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực và ưu đãi về thuế. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi cụ thể (về mặt pháp lý) để đưa nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam và phát triển các DN nội địa.
(Theo Quỳnh Minh // Báo Công thương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com