Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu cà phê đạt kế hoạch nhưng doanh nghiệp lỗ

Người dân Tây Nguyên đang thu hoạch cà phê. Ảnh: Thái Hằng

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta năm nay ước đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ nhưng đa phần các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê đều không có lãi.

Đây là một trong những nhận định được nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê đưa ra tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2009-2010 và phương hướng công tác vụ cà phê 2010-2011 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức tại TPHCM ngày hôm 29-10.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chất lượng cà phê thấp và năng lực tài chính của doanh nghiệp có hạn, để tồn tại các doanh nghiệp chỉ còn cách bán cà phê trừ lùi và trừ xa (*).

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Thương mại và chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong niên vụ 2009-2010 hầu như tất cả các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam đều bán theo cách thức trừ lùi và trừ xa, trung bình từ 120-170 đô la Mỹ/tấn với hy vọng giá cà phê trong tương lai sẽ tăng.

Tuy nhiên, thực tế giá cà phê đã không tăng mà lại giảm, có khi giá cà phê giảm từ 1.600-1.700 đô la Mỹ/tấn ở đầu vụ xuống còn 1.200 đô la Mỹ/tấn ở cuối vụ.

“Nếu không có chương trình tạm trữ 200.000 tấn cà phê thì không biết giá cà phê sẽ còn tiếp tục rớt xuống đến mức nào”, ông Hòa nói.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, lo lắng rằng, trong niên vụ 2010-2011, kịch bản giá cà phê sẽ lặp lại như niên vụ trước vì hầu như các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đều thiếu vốn nên không thể mua hết lượng cà phê mà người dân bán ra vào đầu vụ.

Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty CTA Việt Nam cho rằng, 80% thất bại của ngành cà phê Việt Nam đều nằm ở chính sách cho vay của các ngân hàng.

Cũng theo ông Bình, từ nhiều năm nay, khi đến hạn trả nợ cho ngân hàng, các doanh nghiệp chỉ còn cách duy nhất là buộc phải bán trừ lùi để có tiền trả nợ cho ngân hàng.

“Hiện giá cà phê trên thị trường thế giới không chỉ phụ thuộc vào quy luật cung-cầu mà còn phụ thuộc vào năng lực tài chính của các nhà đầu cơ tại các sàn giao dịch” ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa đặt câu hỏi, trung bình mỗi năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đều ở mức trên 1 tỉ đô la Mỹ, tương tự như mặt hàng lúa gạo, cao su nhưng tại sao ngân hàng lại không muốn làm ăn với doanh nghiệp ngành cà phê?

Trả lời câu hỏi do tự mình đặt ra, ông An cho rằng, dù tổng doanh thu thu về từ xuất khẩu cà phê là lớn nhưng không có nhiều doanh nghiệp đạt được lợi nhuận hơn 3% tổng doanh thu nên ngân hàng không “mặn mà” với doanh nghiệp ngành cà phê.

Đâu là giải pháp?

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không phải bán trừ lùi cà phê, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ cho cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay và kéo dài thời gian trả nợ để doanh nghiệp chủ động phương án kinh doanh.

Theo ông Biên về lâu dài, việc thành lập quỹ bảo hiểm cà phê xuất khẩu, hay chương trình tạm trữ cà phê sẽ được đưa thành một chính sách chủ chốt trong chiến lược phát triển cà phê Việt Nam trong những năm tới.

Ngoài vấn đề về năng lực tài chính thì theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, một nguyên nhân dẫn tới việc bán trừ lùi là do doanh nghiệp không ‘tự tin” vào chất lượng cà phê bán ra nên mới chấp nhận bán trừ lùi, và trừ xa cao hơn các nước cùng xuất khẩu cà phê. “Nếu Việt Nam muốn xây dựng được thương hiệu quốc gia cho ngành cà phê thì không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn cà phê của các nước như Brazil” ông Tự nói.

Liên quan đến chất lượng cà phê, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho biết, muốn nâng cao chất lượng cà phê thì buộc người nông dân phải hái chín. “Hiện một công lao động hái cà phê tại Đăk Lăk khoảng 100.000 đồng/ngày, nếu hái cà phê chín thì chỉ hái được 50kg nhưng hái cả cà phê xanh lẫn cà phê chín, một công lao động sẽ hái được 200kg. Do giá bán cà phê như nhau nên không thể kêu gọi người trồng cà phê chỉ hái cà phê chín được”, ông Sinh dẫn chứng.

(*) Trừ lùi là gì?

Ngày 29-10, giá cà phê robusta giao dịch tại sàn giao dịch Life Luân Đôn (Anh) là 1.944 đô la Mỹ/tấn. Đây là giá giao dịch tại cảng đến, nghĩa là khi một nhà nhập khẩu cà phê tại Anh muốn mua cà phê của Việt Nam thì sẽ trả 1.944 đô la Mỹ/tấn khi cà phê được giao tại một cảng nào đó của nước Anh vào một thời điểm nào đó mà cả hai bên thống nhất với nhau.

Tuy nhiên, nhà nhập khẩu chỉ muốn các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ giao tại cảng Sài Gòn ( FOB Sài Gòn), do đó, nhà nhập khẩu sẽ trừ đi một khoản tiền nhất định nào đó để họ trả chi phí vận chuyển và tiền bảo hiểm cà phê khi vận chuyển từ cảng Sài Gòn đến Anh.

Giả sử ngày 29-10 một công ty Việt Nam đồng ý bán cho một công ty Anh 100 tấn cà phê giao trong tháng 11 với giá giảm 150 đô la Mỹ/tấn, gọi là giá trừ lùi.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam ( khoảng 80% trong tổng số 153 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê) không chỉ bán trừ lùi mà còn trừ lùi xa, với số tiền trừ lùi khá lớn. Trong trường hợp giả sử này, sau khi chốt giá, các nhà nhập khẩu nước ngoài đã biết lượng cà phê, giá đã bán nên trong tháng 11 họ tìm cách đầu cơ để giá xuống thấp hơn 1.944 đô la Mỹ, ví dụ, khoảng 200 đô la Mỹ/tấn, còn khoảng 1.744 đô la Mỹ/tấn vào thời điểm giao hàng. Như vây, giá cà phê Việt Nam bán tại FOB Sài Gòn giao trong tháng 11 chỉ còn 1.594 đô la Mỹ /tấn.

Ngoài lý do trên, các nhà nhập khẩu còn căn cứ trên tiêu chuẩn chất lượng như tỷ lệ tạp chất, hạt đen vỡ, độ ẩm… cũng như thương hiệu của nước xuất khẩu cà phê để đưa ra số tiền trừ lùi khác nhau.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Chấn chỉnh việc thu mua nguyên liệu
  • Cà phê Việt Nam “nhất thế giới”
  • Ngành điều nơm nớp lo thua lỗ
  • Sản lượng cà phê Việt Nam có thể rớt xuống đáy 8 năm
  • Người trồng cà phê găm hàng trước Tết
  • Câu chuyện “trừ lùi” trong xuất khẩu cà phê
  • Chè Ba Vì đã có thương hiệu
  • Đắc Nông: Hái cà phê xanh, bán cà phê non-vấn nạn đến bao giờ?
  • Thương hiệu chè Ba Vì đã có mặt trên thị trường
  • Mở thêm sàn giao dịch cà phê, cao su, thép
  • Nông dân không mặn mà với càphê sạch
  • Thu mua cà phê: Có giúp nông dân bán được giá cao?
  • Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ có thể vượt 240.000 tấn trong năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container