Da giày sẽ phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa xuất khẩu và tiêu thị nội địa - Ảnh: Việt Tuấn. |
Năm 2010, ngành da giày Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng khá mạnh với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 4,06 tỷ USD, gần bằng với kim ngạch cả năm 2009 và đạt mức tăng trưởng tới 24,8%, xếp hạng thứ hai về xuất khẩu của cả nước.
Chiến lược phát triển ngành giày Việt Nam vừa được Ban chấp hành Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) xây dựng nổi bật 2 nội dung lớn.
Một là chuyển từ thế chỉ sản xuất cho xuất khẩu sang thế cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội phân tích, nhìn vào bảng số liệu thống kê 12 nước sản xuất giày trong khu vực châu Á năm 2009 của Tổ chức Satra, phần lớn các nước có sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ trong nước.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ lượng giày dép xuất khẩu so với tổng số sản xuất của Việt Nam là 92,3%. Ngay cả những nước có hoàn cảnh gần giống Việt Nam thì tỷ lệ xuất khẩu/tiêu thụ nội địa thấp hơn rất nhiều, chẳng hạn như của Thái Lan là 42,5%, Indonesia 40,5%, Malaysia 37,9%, cá biệt có Phillippines 5,4%, Pakistan 7,3%.
Nội dung lớn thứ hai chính là phải nhanh chóng giảm tỷ lệ gia công đối với giày dép xuất khẩu. Tỷ lệ này hiện đang được các chuyên gia đánh giá là rất cao, cụ thể là trên 50% trong cả ngành và lên đến 70% đối với các doanh nghiệp có vốn trong nước.
Cũng theo Hiệp hội, ngành da giày Việt Nam trong quá khứ đã cho thấy luôn có một sức bật rất tốt, con số giảm kim ngạch xuất khẩu 14,7% (đạt 4,07 tỷ USD năm 2009) vẫn được xem là con số lạc quan so với dự báo của nhiều chuyên gia là phải giảm hơn 20%, khi bị các đòn giáng từ việc tái áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da và việc bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế quan (GSP) từ EU, vốn là thị trường của gần 60% năng lực xuất khẩu qua nhiều năm.
Tuy nhiên, từ 6 tháng cuối năm 2009 đến nay, nhiều lô hàng giày dép xuất khẩu từ Việt Nam đã được chuyển hướng sang thị trường Hoa Kỳ, và việc xuất khẩu vào EU tuy có giảm, nhưng Việt Nam vẫn là nước sản xuất lớn thứ 3 ở châu Á và thứ 4 trên toàn thế giới (sau Brazil).
Còn về xuất khẩu, kể cả tại châu Á và trên thế giới, ngành giày Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và với sản lượng gấp 2,5 lần nước xuất khẩu thứ 3 (Italia). Hiện nay, cứ 100 đôi giày được sản xuất trên thế giới thì có 4,14 đôi mang nhãn “Made in Vietnam”.
Ngày 25/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6209/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu chung phát triển đến năm 2020 là xây dựng ngành da giày trở thành một ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế, tiếp tục giữ vị trí trong nhóm các nước sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm da giày hàng đầu thế giới và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội trên cơ sở thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao, thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng tốt, số lượng lao động được qua đào tạo ngày càng tăng.
Với tốc độ tăng trưởng dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành năm 2015 là 9,1 tỷ USD, năm 2020 là 14,5 tỷ USD và năm 2025 đạt 21 tỷ USD. Đồng thời, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá các loại sản phẩm là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt trong quá trình xây dựng Quy hoạch trong giai đoạn 2020, tầm nhìn 2025, trong đó phấn đấu năm 2015 tỷ lệ nội địa hoá đạt 60 - 65%, năm 2020 đạt 75 - 80 % và năm 2025 đạt 80 - 85%.
Trong Quy hoạch, giày dép vẫn là sản phẩm chủ lực của ngành, song sẽ quan tâm đến việc sản xuất giầy dép da thời trang và cặp - túi - ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa. Đối với sản phẩm da thuộc, ngành sẽ tập trung sản xuất da thuộc với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đầu tư sản xuất da thuộc được gắn liền với việc phát triển đàn gia súc góp phần giảm nhập siêu và chủ động trong sản xuất.
Theo quyết định trên, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, ngành da giầy Việt Nam sẽ phát triển trên cơ sở phù hợp các quy định hiện hành về công tác quy hoạch. Toàn ngành vẫn duy trì định hướng chủ động phục vụ xuất khẩu và chiếm lĩnh dần thị trường nội địa, phát triển mạnh sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng của thị trường sản phẩm da giầy thế giới. Phát triển ngành da giày Việt Nam nhằm tạo ra năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Điểm mới của quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là việc quan tâm đến việc năng cao khả năng thiết kế mẫu mã sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực da giầy nói chung và thời trang nói riêng. Một số khu, cụm công nghiệp sản xuất da giầy sẽ được xây dựng để sản xuất nguyên phụ liệu và xử lý môi trường tập trung trên cơ sở lợi thế về hạ tầng và lao động để chủ động cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành và xây dựng mới và phát triển các cơ sở đào tạo, các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, các trung tâm kiểm định, dịch vụ ngành và các trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm thời trang ở trong nước và nước ngoài là những định hướng có tính lâu dài nhằm phát triển ngành theo hướng ổn định và bền vững.
Với quy hoạch theo vùng lãnh thổ, bố trí sản xuất và đầu tư của ngành da giày trên toàn quốc được xác định thành 4 vùng chủ yếu gồm vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com