Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để tăng tốc xuất khẩu dệt may: Cần giải pháp khả thi giữ chân người lao động

Dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới để tăng thị phần và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đang vào mùa xuất khẩu cao điểm cuối năm, chỉ riêng trong tháng 8, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2010 đạt gần 6,9 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may vượt chỉ tiêu 10,5 tỷ USD năm 2010 là điều chắc chắn. Thế nhưng, lực lượng lao động dệt may tại các doanh nghiệp (DN) đang vơi dần. Đó là mối lo lớn của từng DN và cũng là bài toán nan giải của ngành trước cơ hội mới.

Lao động: Ra nhiều hơn vào 

Tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may trong những tháng đầu năm 2010 có chiều hướng tích cực, với nhiều thuận lợi tốt về đơn hàng và thị trường. Hiện Việt Nam là điểm đến của làn sóng dịch chuyển sản xuất dệt may từ Trung Quốc. Tính đến thời điểm này, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng sản xuất quý 1-2011, với đơn giá bán hàng cũng tăng lên 15%-20% so với năm 2009.

Ngành dệt may cần nhiều nhân lực vào những tháng cuối năm. Ảnh: Cao Thăng

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Có được lao động đã khó, giữ được người lao động càng khó hơn, đó là một thực tế hầu hết DN chia sẻ. Tại Tổng Công ty Dệt may Gia Định, trong 15 đơn vị thành viên, tính đến nay chỉ có 3 đơn vị giữ được số lao động nhỉnh hơn một chút so với đầu năm 2010, trong khi ở các DN còn lại, số lao động mới ít hơn số lao động bỏ việc, nghỉ việc (hầu hết là công nhân trực tiếp sản xuất). Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của các DN.

Công ty Dệt Sài Gòn cho biết, từ đầu năm đến nay, số lao động của đơn vị đã giảm 20%, trong đó, lao động ngành dệt, nhuộm chiếm đến 50%. Ngành dệt, nhuộm mang tính đặc thù hơn ngành may nên lao động tuyển vào đòi hỏi phải có tay nghề. Nhưng với tình trạng khan hiếm lao động, dù đã hạ tiêu chuẩn tuyển chọn, đào tạo nghề cho công nhân nhưng DN vẫn khó giữ được người lao động.

Lực lượng lao động trẻ không còn, lao động ở khoảng 40-50 tuổi, gắn bó lâu dài với DN cũng tính đường nghỉ việc. Với những đối tượng như thế, ngoài khó khăn về việc mất, thiếu lao động, DN cũng phải đối mặt với việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc (mỗi trường hợp như thế, DN phải chi trả 40 - 50 triệu đồng/người). Thực tế, chính sách chăm lo cho người lao động vô hình chung đang trở thành một gánh nặng DN phải chịu trận. Nhiều DN bức xúc, tình trạng lao động xin nghỉ việc ở DN này để được hưởng trợ cấp, sau đó lại nộp đơn làm việc ở DN khác. Thậm chí, nhiều DN phải “ngậm bồ hòn”, nhận người cũ vào làm lại vì đang cần lao động có nghề!

Giữ chân người lao động bằng cách nào?

Tại cuộc họp của Hội Dệt may- Thêu đan TPHCM vừa diễn ra vào giữa tháng 8-2010, hầu hết các DN nhìn nhận, lý do quan trọng hàng đầu dẫn đến việc công nhân nghỉ việc, không gắn bó với nghề là chính sách tiền lương. Với mức lương dưới 2 triệu đồng/người/tháng, DN dệt may tại TPHCM khó giữ chân người lao động. Ngay cả các DN ở tỉnh gần TPHCM như Long An, Bình Dương, mức lương trên chỉ mới là điều kiện đủ để người lao động ở lại. Với mức sống, giá cả, chi phí sinh hoạt đang tăng dần như hiện nay, để người lao động có thể sống được bằng đồng lương, thu nhập cũng phải 2,5- 3 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex), cho biết, với khoảng 2.700 - 2.800 lao động, đến thời điểm này, Garmex yên tâm thực hiện đơn hàng cho mùa cao điểm cuối năm. Để giữ lực lượng ổn định,  gắn bó lâu dài, DN luôn đặt vấn đề chăm sóc người lao động lên hàng đầu. Hiện DN đang hướng đến mức lương trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Vào tháng tết, lao động được hưởng thêm tháng lương thứ 13 (bằng 2 tháng lương).

Tại Công ty May Sài Gòn 3, bí quyết để người lao động không chán là tăng ca ít. Việc giảm giờ làm cũng là một động lực tạo hưng phấn tăng sản lượng, đồng thời chất lượng cũng được đảm bảo. Đây là một trong những DN trả mức lương khá tốt cho người lao động. Là DN cổ phần, khi người lao động gặp khó khăn về tài chính, muốn bán cổ phần của mình để trang trải, DN sẵn sàng mua lại với cam kết sẽ bán lại cho người lao động khi họ có nhu cầu mua lại sau đó, với giá bán lại vẫn như cũ, người lao động chỉ trả thêm một khoản phí nho nhỏ. Với những lao động có ít cổ phần hoặc không có, DN cho mượn và thu tiền trả dần.

Ngoài việc đầu tư cải tiến công nghệ, tăng năng suất, thu nhập cho người lao động, Công ty CP Giày da và May mặc xuất khẩu (Legamex) cũng đã từng bước “lay động” tình cảm người lao động bằng nhiều chính sách chăm lo đời sống như xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, bữa sáng giá rẻ, cho lao động mượn máy móc dư thừa để người lao động cùng gia đình gia công tại nhà để tăng thu nhập…

(Theo MỸ HẠNH // SGGP Online)

  • Ngành da giày có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 5,4 tỷ USD
  • Da giày Việt Nam: Nhìn lại và đi tới
  • Ngành da giày Việt Nam nắm bắt cơ hội "vàng"
  • Doanh nghiệp dệt thiếu lao động có tay nghề
  • Doanh nghiệp dệt may không lo đầu ra xuất khẩu
  • Xuất khẩu dệt may: Mục tiêu “trong tầm tay”
  • Hội nghị Da giày châu Á tổ chức tại Việt Nam tháng 9/2010
  • Dệt may: xuất khẩu tăng, lợi nhuận khó tăng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container