Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành da giày khó trên sân nhà

Quan sát thị trường những ngày cận tết, giày dép Trung Quốc đang được bày bán khắp nơi: chợ, cửa hàng, hè phố... bất chấp Việt Nam là nhà sản xuất giày dép lớn thứ hai thế giới.

Phần lớn giày dép trên thị trường nội địa là hàng nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Lê Hồng Thái

Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất giày dép lớn thứ hai thế giới – chỉ sau Trung Quốc, theo hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso).

Thế nhưng trên thị trường nội địa, theo ước tính hàng ngoại đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu.

Ông Vũ Văn Minh, giám đốc công ty Giày Việt nói: “Nếu tính bình quân mỗi người dân cần tối thiểu hai đôi giày và dép một năm, thì thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 170 triệu đôi/năm. Các vùng đô thị như Sài Gòn, Hà Nội... người tiêu dùng có thể sắm cả chục đôi/năm”.

Báo cáo của Lefaso, tám tháng đầu năm 2009 lượng giày dép doanh nghiệp sản xuất cho tiêu thụ nội địa đạt khoảng 40 triệu đôi. Ước cả năm 2009, tổng lượng cung ứng cho nội địa khoảng 60 triệu đôi. Đối chiếu với tính toán của ông Minh thì sẽ có khoảng 110 triệu đôi phải nhập.

Lại là hàng Trung Quốc

Hàng Trung Quốc trên thị trường, dãy sản phẩm rộng đáp ứng các đối tượng khác nhau.

Ở khu chợ giày dép đường Nguyễn Đình Chiểu và Trần Huy Liệu, tỷ lệ giày dép Trung Quốc, quan sát trên các quầy kệ, dễ thấy hàng Trung Quốc chiếm đa số trong các shop giày thời trang giới trẻ, và có cả trong shop của những thương hiệu như Hạnh Dung, Kim Thành, Pasteur… Tiệm giày Đông Hải, Pasteur nổi tiếng bền, chắc cũng bày bán kèm nhiều mẫu hàng Trung Quốc.

Dòng hàng giá dưới 1 triệu đồng của Trung Quốc bày bán nhiều nhất trong các shop thời trang khu vực quận 5, trung tâm thương mại An Đông Plaza, chợ An Đông…

Bà Ngọc, bán sỉ giày dép ở An Đông chỉ vào 17 mẫu giày nam mới cho tết này, nói: “Hàng Trung Quốc có đến mười mẫu, hàng mình chỉ có bảy mẫu. Những kiểu giày da lộn, giày đế đúc theo mốt “đốctờ”, giày da đế nhựa kiểu thể thao… chỉ có hàng Trung Quốc. Giày nội đa phần theo mốt văn phòng, lịch sự, đơn giản”.

Khu chợ hàng thời trang đường Lưu Văn Lang, quận 1 cũng tràn ngập các loại dép xốp, sabô nhựa, sandal nhựa… của Trung Quốc. Một nhân viên bán hàng giới thiệu: “Dép nhựa Việt Nam ở chợ bán đầy, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có mấy kiểu. Dép Trung Quốc nhiều kiểu lạ, mang êm và nhẹ, nên dễ thuyết phục khách mua, dù giá hàng nhựa lên tới hơn trăm ngàn một đôi”. Đếm sơ qua những mẫu hàng Trung Quốc tại đây, đã có khoảng 50 kiểu khác nhau, gắn đủ các nhãn hàng nổi tiếng hoặc các hình búp bê Barbie, nhân vật trong phim hoạt hình Walt Disney.

Bà Khanh, bán giày dép chợ Bến Thành nói: “Số mẫu mới hàng Trung Quốc được chào luôn nhiều gấp 2 – 3 lần mẫu hàng Việt Nam”.

Hàng nội yếu nhiều mặt

Theo một báo cáo của bộ Công thương, toàn ngành hiện có tổng năng lực sản xuất 780 triệu đôi giày dép các loại/năm.

Thị trường trong nước, với dân số hơn 85 triệu người, là thị trường có tiềm năng đối với ngành da – giày, nhưng trong những năm qua, thị trường này còn chưa được ngành tập trung khai thác.

Một chuyên gia trong ngành giày dép nhận xét, Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới, do vậy việc đổi mới công nghệ, thiết kế diễn ra rất nhanh. Từ công nghệ sản xuất dép bằng chất liệu cao su vào những năm 60, 70 chuyển sang chất liệu EVA vào những năm 80 và tiếp theo là chất liệu PU, TPR… Còn Việt Nam vẫn phải nhập nguyên phụ liệu.

Theo Lefaso, ngành công nghiệp da – giày Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp, xuất khẩu khoảng 600 triệu đôi/năm, thu hút hơn 650.000 lao động. Trong đó, có 23% số doanh nghiệp lớn là các công ty liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp da – giày 100% vốn Việt Nam chiếm 77% số lượng toàn ngành, nhưng chỉ chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào thị trường nội địa là rất khó, vì có đến 70% số doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công thuần tuý cho nước ngoài... Một số công ty vốn làm hàng cho các nhãn hiệu quốc tế nhưng khi mở cửa hàng bán nội địa vẫn chưa thu hút được khách.

Còn hơn 1.000 cơ sở nhỏ đang tham gia sản xuất giày dép bán nội địa lại gặp khó bởi đa phần vẫn phải mua đế, simili, móc khoá, hạt đính, keo… từ Trung Quốc. Họ lại không đủ sức thiết kế và sáng tạo mẫu mới, không có thương hiệu, phải phân phối qua chợ đầu mối, các chủ bán hàng sỉ.

Chỉ một số ít thương hiệu có mạng lưới phân phối riêng với hàng ngàn điểm bán như Biti’s, Asia, Bita’s. Giày Việt, T&T, Hồng Anh, Hồng Thạnh, Kim Thành, Pasteur… số lượng điểm bán lẻ ít hơn.

Trong đó, hàng Trung Quốc với chiết khấu cao cho người bán, giao hàng tận nơi bán nên đã len lỏi vào khắp các điểm bán, kể cả trong những cửa hiệu giày Việt Nam có thương hiệu.

Xem ra, chương trình mục tiêu ngành da giày đến năm 2015 chiếm 60% thị phần nội địa, muốn thực hiện được, cần giải quyết nhiều vấn đề từ nguồn nguyên phụ liệu, công nghệ cho đến phát triển thương hiệu, phân phối… Hoạt động của hiệp hội cũng cần có chương trình riêng cho nội địa, chứ không chỉ tập trung cho xuất khẩu như hiện nay.

( Theo Bích Thuỷ // SGTT Online)

  • Nâng cao giá trị gia tăng của hàng dệt-may xuất khẩu
  • Ngành da giày tham vọng chiếm 50% thị trường
  • Ngành da giày và áp lực xuất khẩu 4,6 tỷ USD
  • Hàng dệt may ách tắc tại cảng tạm thời được giải tỏa
  • Dệt may “qua mặt” dầu thô
  • Hàng dệt may nằm chờ kiểm định
  • Xuất khẩu dệt may bứt phá
  • Lợi thế từ Dự án trồng bông ở Campuchia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container