Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi giày dép là... kẻ thù

Thuộc da là quá trình chế biến da, da lông bằng hóa chất, thông thường là tanin, fomaldehyte, các hợp chất của crom, nhôm, ziriconi... để nâng cao chất lượng của da sống và da lông. Chính vì thế, nếu như quá trình này không được kiểm soát nghiêm ngặt, nguy cơ đối với sức khỏe, kể cả bị các bệnh hiểm nghèo, của người sử dụng rất lớn.

Toàn cảnh giày, dép có độc chất

Thông tin giày, dép Trung Quốc có độc chất, nhẹ thì gây ngứa, lở loét da, tối hiểm thì gây ung thư khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng trong nước dẫn nguồn hãng tin AFP cho biết, tháng 5-2008, I-ta-li-a đã mở một chiến dịch rộng khắp trên toàn quốc và đã tịch thu 1,7 triệu đôi giày da do Trung Quốc sản xuất. Những đôi giày này ngoài vi phạm bản quyền của các hãng sản xuất giày I-ta-li-a còn tồn dư lượng hóa chất độc hại. Kết quả xét nghiệm cho thấy những đôi giày được gọi là toxic shoes có hàm lượng hexavalent chromium (crom hóa trị VI) vượt mức cho phép, có thể gây ung thư cho người sử dụng. Một số diễn đàn mạng và blog trong nước ngay lập tức “chuyền tay” nhau những hình ảnh rùng mình về bàn chân một số người tiêu dùng… không may.

 Ngay sau I-ta-li-a, nhiều nơi ở Pháp cũng phải thu hồi toxic shoes có nguồn gốc Trung Quốc sau khi một số người sử dụng bị nổi ban đỏ, bỏng rát da chân… do chất chống ẩm mốc dimethylfumarate tồn dư trong giày.

 Vấn đề “nóng” nhưng không mới! Những nguy cơ đối với sức khỏe người sử dụng không chỉ riêng giày dép mà cả ở các sản phẩm từ da khác là có cơ sở. Để thuộc da, người ta phải sử dụng hóa chất, thông thường là tanin, fomaldehyte, các hợp chất của crom, nhôm, ziriconi... nhằm nâng cao chất lượng của da sống và da lông. Đồng thời, không phải đến bây giờ tình trạng giày dép có nguồn gốc Trung Quốc tồn dư độc chất mới được đề cập. Tờ Nhân dân nhật báo điện tử (Trung Quốc), bản cập nhật lúc 12 giờ 17, ngày   24-12-2005, cũng cho hay Chính phủ Trung Quốc đã mở một chiến dịch điều tra chính thức về các cáo buộc sản phẩm chứa hóa chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép sau khi Bộ Y tế I-ta-li-a thông báo họ tiến hành chiến dịch thanh tra giày, dép nhập khẩu Trung Quốc có “vấn đề”…

 Chất lượng da có tiêu chí riêng

 Bất kỳ loại hóa chất nào khi tiếp xúc với da đều có thể gây viêm da dị ứng tùy theo sức khỏe từng người. Hóa chất độc hại như kim loại nặng thậm chí nguy hiểm. Ông Lê Quí Son, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực da giầy và hiện là Phó Tổng Giám đốc một công ty da giày lớn, cho biết: Trong kỹ thuật sản xuất da giầy, nếu công nghệ xử lý không bảo đảm thì hóa chất hoàn toàn có thể tồn dư. Hóa chất kim loại nặng rất độc hại, không thể phân hủy trong đất. Hiện nay, ngành công nghiệp hóa chất trong nước chưa có khả năng cung ứng, các doanh nghiệp thuộc da phải nhập khẩu phần lớn hóa chất của các hãng nước ngoài. Tất nhiên, chất lượng da thuộc phụ thuộc nhiều yếu tố, từ khâu chăn nuôi, qui trình giết mổ lấy da, bảo quản tất cả phải được quản lý nghiêm ngặt theo yêu cầu để bảo đảm da nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.

 Theo ông Phạm Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Giày Thụy Khuê, tất cả các đơn hàng của Công ty (chủ yếu xuất khẩu đi châu Âu) đều phải “vượt qua” các qui trình kiểm tra chặt chẽ về chất lượng của đối tác, từ độ bền, đàn hồi của đế đến vụn kim loại trong da (gây tổn thương người sử dụng), đặc biệt là các hóa chất có thể gây ung thư. Hiện tại, để không phải đối phó với các vụ việc tương tự Trung Quốc, nhiều công ty giầy nội địa đang từng bước tự hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững dựa trên 5 điều kiện cơ sở: đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, môi trường, trách nhiệm xã hội và các luật định về thương mại, đặc biệt là vấn đề an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên…

 Trên trời, dưới… giày, dép Trung Quốc

 Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới. Xuất khẩu giày dép hiện đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, riêng 9 tháng đầu năm 2008, lĩnh vực này mang lại gần 3 tỉ USD. Dù vậy, trong khi các doanh nghiệp mải mê với lĩnh vực xuất khẩu thì tại thị trường nội địa, giày dép Trung Quốc tràn ngập. Ngay tại Hà Nội, chỉ riêng “quân khu giầy dép bình dân bờ hồ”- hai phố Cầu Gỗ, Hàng Dầu - đã có vài chục cửa hàng giầy dép, mà chủ yếu là các mặt hàng Trung Quốc cấp  thấp. Các cửa hàng ở các phố lớn, phố nhỏ khác trong thành phố cũng hầu hết bán hàng Trung Quốc. Vẫn theo ông Phạm Quang Huy, Việt Nam hầu như không có bán giầy sản xuất tại các nước châu Âu. Vì thế, thị trường nội địa ngoài các doanh nghiệp, cơ sở thủ công thì là… hàng Trung Quốc.

 Tại các thị trường nông thôn, giầy dép Trung Quốc càng có “chỗ đứng” hơn. Lý do rất đơn giản là sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú, đặc biệt giá rẻ. Phần lớn số hàng này được nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch. Ngay tại các cửa khẩu lớn như Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Khẩu (Lào Cai), người tiêu dùng có thể dễ dàng mua những đôi giầy kiểu dáng tàm tạm với giá chỉ 50- 70.000 đồng. Ngoài da thuộc, các nhà sản xuất Trung Quốc rất nhanh nhạy với các sản phẩm da công nghiệp, phổ biến là pha simili. Điều đáng nói là nếu như để ý, các cửa hàng giày, dép bình dân luôn sặc sụa mùi... giày dép. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước không mấy ai để ý là giày, dép loại này có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không.

 

Ai cũng nghĩ, xét cho cùng giày, dép chỉ xỏ vào chân, có ăn vào đâu mà sợ! Nhất là khi điều kiện kinh tế của nhiều người còn eo hẹp. Đến nay, chưa thấy trường hợp nào “ngứa chân, lở loét” vì mang giày, dép Trung Quốc được công bố ở nước ta song liệu toxic shoes có ý nghĩa cảnh báo nào với người tiêu dùng, cũng như nhà quản lý? Đồng thời, đây cũng là một thông tin hữu ích cho các nhà sản xuất vì phần lớn nguyên phụ liệu da giày của ta được nhập từ… nơi có toxic shoes.

 


(Theo báo Hà nội mới )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container