Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành da giày đối mặt với "cơn bão giá” đầu vào

Đối mặt với "bão giá" đầu vào song các sản phẩm da giày vẫn chưa thể tăng giá. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Các doanh nghiệp da giày Việt Nam hiện đang đứng trước hàng loạt khó khăn do sự tăng giá của các loại nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu phục vụ sản xuất và cước vận chuyển.

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, đơn hàng xuất khẩu mặt hàng da giày trong năm 2011 khá dồi dào. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu quý 1 của ngành giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, chỉ tăng trưởng trong tháng Một, sang tháng Hai và tháng Ba đạt khoảng 70% so với mục tiêu.

Bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu giày dép quý 1 đạt 1,2 tỷ USD; kim ngạch toàn ngành đạt 1,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,3% so với kế hoạch kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đạt 24,68% so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành da giày phải làm gia công nhiều nên tiêu tốn điện năng, vì vậy giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng khiến cước vận chuyển sản phẩm da giày cũng tăng theo vì hàng cồng kềnh tốn nhiều công vận chuyển.

Sự tăng giá của xăng, dầu, điện không chỉ tác động đến sản xuất của doanh nghiệp mà tác động cả đến đời sống của công nhân, đặt doanh nghiệp đứng trước áp lực phải tăng lương để giữ lao động. Trong khi đó, giá nhiều loại nguyên liệu như da, cao su... cũng đều tăng.

Mặt khác, doanh nghiệp ngành da giày cũng đứng trước khó khăn về lãi suất ngân hàng, có ngân hàng cho vay với lãi suất lên đến 18%, thậm chí 20%.

Việc nhập khẩu nguyên liệu cũng không dễ vì các nhà cung ứng có xu hướng đóng cửa, chờ giá ổn định mới bán.

Về chênh lệch tỷ giá USD/VND, ở ngành da giày, doanh nghiệp nào sản xuất xuất khẩu thuần túy thì được lợi hơn so với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng trong nước.

Đại diện Công ty cổ phần giày Ngọc Hà (Gia Lâm, Hà Nội), đơn vị có năng lực sản xuất 1,4 triệu đôi giày/năm, cho biết, nguyên phụ liệu nhập khẩu như da, giả da, đế giày, phụ kiện trang trí tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào. Đó là chưa kể đơn giá xuất khẩu mà doanh nghiệp ký ở thời điểm trước giao hàng thấp, trong khi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu đã tăng so với tính toán lúc ký đơn hàng.

Trong lúc khó khăn này, doanh nghiệp phải bằng mọi cách duy trì sản xuất, kể cả chấp nhận không có lợi nhuận hoặc lỗ, để chờ tình hình thị trường được cải thiện bởi theo quy luật, giá cả không thể cứ tăng mãi, mà sẽ đến chu kỳ giảm giá.

Hiện các doanh nghiệp đang theo dõi sát mọi diễn biến để có các biện pháp xử lý linh hoạt, giảm thiểu rủi ro.

Bà Nguyễn Thị Tòng cũng cho biết thêm, sự biến động về giá cả hàng tiêu dùng trong nước đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh của ngành và đời sống của người lao động vì ngành da giày là ngành có hiệu quả kinh doanh thấp, chủ yếu tạo công ăn việc làm cho đối tượng lao động thủ công là chính và góp phần cân đối cán cân thương mại nên sẽ càng khó khăn.

Trên thực tế, do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên các doanh nghiệp da giày đã vấp phải không ít khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Năm 2010, giá nguyên liệu tăng trung bình từ 15-20%; chi phí lao động, bao gồm tiền lương và các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp... tăng đến khoảng 30%. Trong khi đó, giá bán sản phẩm khó tăng hoặc chỉ tăng được ở tỷ lệ nhất định.

Hợp đồng xuất khẩu sản phẩm trong những tháng đầu năm 2011 đã được ký từ cuối năm 2010, vì vậy với sự biến động giá tiếp theo trong thời gian này, doanh nghiệp không thể đàm phán tăng giá với nhà nhập khẩu mà chỉ có thể tự cứu mình bằng việc thực hiện căn cơ hơn những giải pháp tiết kiệm.

Trước hàng loạt chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, ông Đinh Quang Bào, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ladoda cho biết, công ty dự kiến phải tăng giá bán sản phẩm, nhưng qua thăm dò, hơn 300 đại lý trên toàn quốc đều phản đối vì nếu tăng giá thì sẽ không bán được hàng. Do đó, công ty cũng đang triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí.

Tổng giám đốc Đinh Quang Bào cho rằng, doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài nên không thể không sản xuất để giao hàng, dù rằng phải chấp nhận hòa vốn trong điều kiện hiện nay để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Việc Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo bãi bỏ áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam kể từ ngày 31/3 sẽ góp phần thu hút lại các nhà đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam sau vụ kiện.

Hiệp hội da giày Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần có một số giải pháp để tăng tốc độ tăng trưởng xuất vào EU và xác định giá bán hợp lý để tránh các vụ kiện tương tự có thể xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, sang năm 2011, người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu sẽ quen dần với mặt bằng giá mới. Từ đó doanh nghiệp có thể đàm phán với các khách hàng, tăng giá bán sản phẩm./.
 
Trần Thúy Hằng (TTXVN/Vietnam+)

  • Da giày sẽ trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn vào năm 2020
  • Da giày bị kiện chống bán phá giá: Thiệt hại 100 triệu USD/năm
  • Xuất khẩu dệt may điêu đứng vì phí
  • Dệt, nhuộm khát vốn FDI
  • Thắng kiện bán phá giá, DN da, giày VN vẫn gặp khó
  • Dùng nguyên liệu nội, chiếm lợi thế
  • Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 3/2011
  • Ngành dệt may: Thấp thỏm nhiều mối lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container