Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những tín hiệu khả quan về Xuất khẩu dệt may

Quý I vừa qua, dệt may tiếp tục là ngành xuất khẩu dẫn đầu cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2010. Ðây là tín hiệu khả quan để năm 2010, ngành dệt may có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD. Tuy nhiên, không ít khó khăn, thách thức mới đang đặt ra đối với ngành dệt  may.

Công nhân công ty CP may nhà bè sản xuất hàng xuất khẩu

Tín hiệu khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, quý I-2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 2,16 tỷ USD, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước. Với kim ngạch xuất khẩu này, dệt may được đánh giá là ngành sản xuất ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá. Ðơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) trong quý I và quý II đều tăng mạnh, thậm chí nhiều DN dệt may đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2010, khác hẳn với cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng hồi quý I và quý II-2009. Ðiều này hứa hẹn khả năng tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho biết,  hiện nay, thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, EU đang hồi phục về kinh tế, cho nên xuất khẩu trong quý I vào các thị trường này tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2009, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng trưởng âm khoảng 4%, thì sang quý I-2010, xuất khẩu vào thị trường này ước tăng khoảng 15%; thị trường châu Âu trong năm 2009 xuất khẩu tăng trưởng âm 5%, quý I-2010 đã tăng khoảng 6%. Ðạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao này là do các DN dệt may đều ký được nhiều đơn hàng hơn so cùng kỳ năm trước, có nhiều DN đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Ðáng chú ý, mặt hàng sợi có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, các nhà máy sợi đều có khả năng xuất khẩu. Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chỉ đạo các DN sản xuất sợi cân đối giữa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước để ổn định nguồn nguyên liệu sợi cho sản xuất trong nước. Bước sang quý II, với đà hồi phục kinh tế thế giới, tình hình xuất khẩu dệt may sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn.

Trong quý I, một số DN dệt may có mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao như: Công ty cổ phần may Ðồng Nai đạt kim ngạch xuất khẩu tám triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2009. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bùi Thế Kích cho biết, kim ngạch xuất khẩu quý I tăng là nhờ đơn giá tăng từ 5% đến 10%, sản lượng cũng tăng. Vì có nhiều đơn hàng lớn cho nên năng suất lao động của công ty tăng hơn so với việc thực hiện những đơn hàng nhỏ. Hiện nay, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết quý III và một phần hết năm 2010. Tương tự, Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 triệu USD, tăng 24% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đơn hàng xuất khẩu sợi từ tháng 3 tăng cả về sản lượng và đơn giá. Các nhà máy may của Tổng công ty nhận được nhiều đơn hàng từ quý II đến hết năm 2010.

Ðối mặt với nhiều khó khăn

Mặc dù đơn hàng và doanh số đều tăng nhưng không ít DN dệt may đang gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng, giá điện, tỷ giá USD, lãi suất vay ngân hàng... đồng loạt tăng, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Ðồng Nai Bùi Thế Kích dẫn chứng, năm 2009, do được hỗ trợ lãi suất cho vay 4% cho nên DN chỉ phải trả lãi suất vay ngân hàng 6%. Nhưng đến năm 2010, lãi suất vay ngân hàng tăng lên 15 tới 18% (tăng gấp ba lần so năm 2009) khiến các DN gặp khó khăn về vốn để phát triển sản xuất. Dự kiến năm nay, lợi nhuận của công ty sẽ giảm 50% so năm trước. Trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh thì cơ sở hạ tầng như: Ðường giao thông, cảng biển... chưa được cải thiện nhiều khiến DN khó giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Không chỉ gặp khó khăn về chi phí sản xuất tăng, các DN dệt may còn phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động. Tình trạng này diễn ra khá căng thẳng với nhiều DN trong ngành, nhất là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội, các khu công nghiệp tập trung... Chủ tịch HÐQT Tổng công ty may Ðức Giang, Hoàng Vệ Dũng cho rằng, khi DN có được nhiều đơn hàng thì DN nào giữ được lao động ổn định, DN đó sẽ thành công trong sản xuất, kinh doanh. Sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều lao động trong ngành đã không quay trở lại làm việc khiến DN mặc dù nhận nhiều đơn hàng nhưng không đủ lao động để thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do có sự chuyển dịch lao động từ ngành dệt may sang các ngành công nghệ cao, có thu nhập cao hơn và sự cạnh tranh thu hút lao động giữa các DN trong ngành tại các địa phương. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội Hồ Lê Hùng, do thiếu hụt lao động cho nên Tổng công ty phải tìm các đơn vị liên kết ở các địa phương để thực hiện hợp đồng, bảo đảm đúng tiến độ giao hàng cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, hình thức này sẽ làm cho DN bị động khi thực hiện các hợp đồng lớn, phải giao hàng gấp.

Khó khăn, thách thức đối với ngành dệt may là rất lớn nhưng với những tín hiệu xuất khẩu khả quan trong thời gian tới, các DN đang nỗ lực tranh thủ thời cơ, thu hút đơn hàng, duy trì và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống và phát triển thêm khách hàng mới, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Ðể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 10,5 tỷ USD, các DN cần nhanh chóng chuyển dịch sản xuất từ gia công sang làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn), từ làm đơn hàng có giá trị thấp, trung bình sang đơn hàng có giá trị cao đồng thời phát triển mặt hàng thời trang để tăng giá trị gia tăng.

Bước vào quý II, Vitas cũng đã yêu cầu các DN trong ngành đầu tư mở rộng các nhà máy may ở các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang và một số tỉnh miền trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên... Ðồng thời di dời các nhà máy sản xuất về các thị tứ và vùng nông thôn, tiện đường giao thông, trong khi cơ sở tại các thành phố lớn chỉ tập trung sản xuất hàng cao cấp và phát triển kinh doanh nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và chi phí đầu vào tăng.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội Hồ Lê Hùng, trước tình trạng thiếu hụt lao động, DN đang triển khai dự án di dời toàn bộ cơ sở sản xuất sợi và may về Khu công nghiệp Ðồng Văn II (Hà Nam). Việc di dời này sẽ giúp DN giảm áp lực về chi phí nhân công, ổn định lao động sản xuất. Còn ở Công ty cổ phần may Ðồng Nai, để giữ chân người lao động, công ty đã tập trung chăm lo đúng mức đời sống của công nhân và tìm giải pháp tăng năng suất lao động để tăng lợi nhuận, từ đó sẽ tăng thu nhập cho người lao động, giúp họ yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn lực cho phát triển. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Ðông Xuân Trương Thị Thanh Hà nhấn mạnh, nếu tổ chức sản xuất tại các thành phố lớn như Hà Nội thì khó thu hút được lao động do thu nhập của ngành dệt may không cao so với các ngành khác. Vì thế, DN buộc phải chuyển dịch các cơ sở sản xuất về các địa phương khác. Tuy nhiên, làm vậy DN cũng phải gánh thêm chi phí đào tạo lao động ở địa phương. Ðầu quý II, công ty đã khởi công Nhà máy sản xuất sản phẩm dệt kim chất lượng cao có năng lực sản xuất tám triệu sản phẩm dệt kim/năm tại Hưng Yên và cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động, dự kiến thu hút 800 lao động địa phương.

Một loạt chi phí đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Trong bối cảnh đó, các DN dệt may đều xác định tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Bố trí lại dây chuyền sản xuất hợp lý, thực hiện tiết kiệm triệt để trong mọi khâu sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động... được nhiều DN áp dụng nhằm giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sản phẩm dệt may của các nước khác.

(Theo Hà Hoa // Báo Nhân dân)

  • XK may mặc, da giày tăng trưởng khả quan
  • Ngành Dệt May và mục tiêu chiến lược nâng tỷ lệ nội địa hóa
  • Dệt may giữ vững nhịp tăng trưởng cao
  • Dệt may đón nhà đầu tư phụ kiện
  • Công ty CP may Đồng Tiến: Tăng trưởng bền vững
  • Triển lãm nguyên, phụ liệu dệt may 2010: Góp phần giúp ngành dệt may tăng tỷ lệ nội địa hóa
  • Tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng dệt may
  • Đơn hàng xuất khẩu dệt may ổn định
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container