Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TPP – Được và mất của dệt may Việt Nam

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP), bao gồm 9 nền kinh tế của 3 châu lục là Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Australia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán. TPP hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu. Mỹ là đích nhắm lớn nhất của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng dệt may.

Tăng thị phần tại Mỹ

Phiên đàm phán thứ 6 của TPP vừa diễn ra vào đầu tháng 4-2011 tại Singapore. Những lợi thế thấy được từ TPP với nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu định hình. Hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng và gia tăng thị trường tại 8 đối tác kể trên. Tuy nhiên, tham vọng lớn nhất của Việt Nam trong TPP này là thị trường Mỹ, thị trường đang mở ra rất nhiều cơ hội và hấp dẫn nhất đối với hàng hóa Việt Nam.

May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: CAO THĂNG

Nếu đàm phán mang lại lợi thế thành công thì 95 dòng sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện nay sẽ được hưởng thuế suất 0%. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng dệt may Việt Nam, chiếm khoảng 55% tổng thị phần xuất khẩu toàn ngành. Trong 11,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt được trong năm 2010, xuất khẩu dệt may vào Mỹ chiếm hơn 6,1 tỷ USD. Và dệt may hiện chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2010. Không chỉ dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước, dệt may cũng giữ vai trò quan trọng tại thị trường rất tiềm năng như Mỹ.

Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 vào thị trường Mỹ, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, dệt may Việt Nam không thể tự hài lòng, dừng lại ở đây. Vì thực tế, dù là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 vào Mỹ nhưng thị phần tại thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may gần 95 tỷ USD/năm là còn quá nhỏ với Việt Nam. Năm 2010, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ mới chiếm khoảng 5-6%. Rõ ràng, với nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ hiện nay, cùng những ưu đãi trong cam kết đạt được của TPP, dệt may Việt Nam có cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu và mở rộng thị phần tại đây.     

Yêu cầu xuất xứ không thuận lợi

Tuy nhiên, tại thời điểm này, kịch bản có lợi cho dệt may Việt Nam vẫn chưa chắc chắn. Mối quan tâm và rào cản lớn nhất hiện nay của dệt may Việt Nam, đó là yêu cầu quy tắc xuất xứ “phải dùng sợi sản xuất tại Mỹ”. Đây là công đoạn khó nuốt đối với ngành dệt may Việt Nam. Vì với thực trạng của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, dệt may Việt Nam khó lòng đáp ứng tốt quy tắc này.

Ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đánh giá, nếu phải tuân thủ yêu cầu xuất xứ này thì dệt may Việt Nam khó tận dụng được để hưởng thuế suất ưu đãi. Vì hiện nay, trong chuỗi sản xuất khép kín từ trồng bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải, may sản phẩm thì Việt Nam chỉ mới có ưu thế ở đoạn cuối là may. Trong khi đó, dệt, nhuộm, hoàn tất vải vẫn là khâu yếu nhất của chúng ta. Có một nghịch lý đang diễn ra, hiện Việt Nam dư thừa sợi, xuất khẩu đến 60%-70% lượng sợi sản xuất trong nước ra nước ngoài nhưng phải nhập hầu hết lượng vải ở nước ngoài vào để sản xuất. Với thực lực hiện tại của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước thì rõ ràng yêu cầu xuất xứ phía Mỹ đưa ra là một bất lợi đối với ngành dệt may.

Đàm phán vẫn chưa có kết quả chính thức, ngành dệt may Việt Nam hy vọng sẽ có những cơ sở thuận lợi trong quá trình đàm phán để đạt được kết quả ưng ý nhất. Trước đây, trong các hiệp định đối tác song phương, đa phương với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… ngành dệt may Việt Nam đã đạt được thỏa thuận khá thuận lợi cho xuất khẩu dệt may. Chỉ với yêu cầu xuất xứ 2 công đoạn cắt và may tại Việt Nam, xuất khẩu dệt may vào Hàn Quốc đang có nhiều lợi thế, với tăng trưởng rất cao trong năm 2010. Tại thị trường Nhật, dù yêu cầu xuất xứ có khắt khe hơn (phải dùng nguyên phụ liệu của Nhật, Việt Nam, một số nước ASEAN) nhưng dệt may Việt Nam cũng đã tận dụng tốt để tăng trưởng xuất khẩu trên 20% trong năm 2010, chiếm khoảng 10% thị phần tại thị trường này.

Được và mất của xuất khẩu dệt may trong TPP vẫn chưa đi đến hồi kết. Dệt may Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức trong đàm phán và cũng đang nhận được hỗ trợ rất lớn từ phía Hiệp hội nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ. Vì hơn ai hết, chính người tiêu dùng Mỹ sẽ được lợi khi hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ được hưởng thuế suất ưu đãi.

(Theo Mỹ Hạnh/sggp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container